Giá lúa gạo hôm nay 29/6: Tiếp tục điều chỉnh từ 50 đồng/kg đến 200 kg/đồng
Giá lúa gạo hôm nay
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (29/6) tăng - giảm từ 50 đồng/kg đến 200 đồng/kg tại một số giống lúa được khảo sát. Theo đó, Nàng Hoa 9 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.400 - 6.500 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh tăng vào hôm qua, giá lúa IR 50404 quay đầu giảm 50 đồng/kg xuống còn 5.500 - 5.650 đồng/kg.
Các giống lúa còn lại tiếp tục đi ngang. Theo đó, lúa IR 50404 (khô) thu mua với giá là 6.500 đồng/kg, Đài Thơm 8 có giá là 6.000 - 6.200 đồng/kg, OM 5451 neo tại mốc 6.000 - 6.100 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 - 12.000 đồng/kg, lúa Nhật có giá là 7.000 - 7.500 đồng/kg.
Giá các loại nếp hôm nay không biến động. Cụ thể, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg, nếp ruột neo trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg và nếp AG (khô) có giá là 7.500 - 7.600 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 29/6 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.300 - 8.400 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.800 – 8.850 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá đi ngang. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.600 – 8.650 đồng/kg, cám khô giữ ở mức 8.900 – 9.100 đồng/kg.
Giá gạo bán lẻ tại chợ An Giang chưa có biến động mới. Giá gạo thường hiện neo tại mốc 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg và cám với giá là 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Đưa gạo chất lượng cao tiến sâu vào thị trường ASEAN
Những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN, song dư địa để mặt hàng gạo chất lượng cao tiến sâu vào khu vực ASEAN còn rất lớn. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang thị trường này, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho gạo Việt Nam.
Trong ASEAN, sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippines. Năm 2021, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, giá trung bình 509,7USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 7,1% về giá so với năm 2020, chiếm 39,4% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như: Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei. Song, có thực tế hiện nay, gạo xuất khẩu sang Philippines và Indonesia chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thường, độ tấm 20-25%, cạnh tranh chủ yếu bằng giá.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, ASEAN là thị trường lớn với gần 700 triệu dân, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lối sống, khoảng cách địa lý gần với Việt Nam nên gạo của Việt Nam có nhiều tiềm năng tại thị trường này.
Tuy nhiên, về mặt chiến lược, ngành gạo của Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường nên không thể cạnh tranh về giá với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar, Pakistan và Ấn Độ, theo báo Quân Đội Nhân Dân.
Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Trong bối cảnh hầu hết các nước ASEAN đều có những thay đổi về nhu cầu, điều kiện nhập khẩu gạo, ngành gạo cần đánh giá lại nhu cầu từng thị trường, từ đó có chiến lược chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, quảng bá, xây dựng thương hiệu phù hợp.
Cũng liên quan tới việc phát triển thương hiệu gạo, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia Trần Lê Dung thông tin, hiện gạo Việt Nam chiếm thị phần lớn trong tổng lượng gạo nhập khẩu hằng năm của Malaysia, nhất là loại gạo trắng dài. Tuy nhiên, mặt hàng này thường được nhập theo container gạo thô, sau đó đóng gói và dán nhãn mác thương hiệu công ty của họ. Do đó, tại thị trường Malaysia, người tiêu dùng vẫn chủ yếu biết đến thương hiệu gạo của doanh nghiệp nhập khẩu. Để cải thiện tình trạng này, bà Trần Lê Dung cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam nên gửi hàng mẫu để quảng bá tại một số siêu thị Malaysia. Doanh nghiệp sẽ mất phí thời gian đầu để giới thiệu hàng nhưng đây là cách bền vững để tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, người dân Malaysia cũng có nhu cầu cao với mặt hàng gạo nếp.
Phân tích sâu thị trường Singapore, ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, dư địa để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là rất lớn. Riêng về nông sản, Việt Nam xuất sang thị trường này chủ yếu là gạo, rau củ quả, hạt điều, cà phê...
Tuy nhiên, Singapore là thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về chất lượng và rất cạnh tranh về giá cả. Cùng với đó, trong quá trình chào hàng, gửi mẫu hàng hóa tham gia các hội chợ, triển lãm nên dán thêm nhãn phụ bằng tiếng Anh, thông tin trên nhãn dán cũng phải đầy đủ, rõ ràng.