Giá lúa gạo hôm nay 23/5: Một số giống lúa điều chỉnh tăng trong phiên đầu tuần
Giá lúa gạo hôm nay
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (23/5) có một vài điều chỉnh như sau: Đài Thơm đang được thu mua với giá 5.700 - 5.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Các giống lúa khác không ghi nhận biến động mới, theo đó, lúa IR 50404 (khô) vẫn có giá là 6.500 đồng/kg, lúa IR 50404 (tươi) tiếp tục neo mốc 5.400 - 5.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá là 5.800 - 6.000 đồng/kg và lúa Nhật giữ nguyên giao dịch trong khoảng 8.000 - 8.500 đồng/kg
Cùng với đó, các giống lúa OM tiếp tục bình ổn. OM 5451 đang neo ở mốc 5.600 - 5.700 đồng/kg và OM 18 đang giao dịch với giá 5.800 - 5.900 đồng/kg.
Giá các loại nếp tiếp tục không thay đổi giá so với tuần trước. Theo đó, nếp AG (khô) dao động trong khoảng 7.700 - 7.800 đồng/kg, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg và nếp ruột duy trì khoảng giá là 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 23/5 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Còn với các giống gạo ghi nhận tại chợ An Giang, gạo thường có giá không đổi là 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần.
Nông dân ứng phó khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao
Theo thông tin từ báo Cần Thơ, thời điểm này, nhiều trà lúa vụ hè thu 2022 trên địa bàn thành phố mới ở giai đoạn trổ bông đến chắc xanh, chuẩn bị chín. Ðã có nhiều thương lái tìm đến tận ruộng để đặt tiền cọc mua lúa.
Thương lái đặt cọc mua lúa tươi IR50404 với giá 5.500 - 5.550 đồng/kg. Còn các loại lúa hạt dài như OM 5451, OM 380, OM 18... có giá 5.600 - 5.800 đồng/kg. Theo nhiều nông dân, đa số thương lái đặt cọc khoảng 200.000 - 400.000 đồng/công lúa.
Nhờ có thương lái đặt cọc thu mua lúa ngay từ sớm nên nông dân phần nào an tâm về đầu ra vụ hè thu này. Tuy nhiên, giá lúa được nhiều thương lái đưa ra đang thấp hơn khoảng 200 - 300 đồng/kg so với cùng kỳ vụ hè thu năm 2021.
Nông dân mong giá lúa cải thiện hơn trong thời gian tới để đảm bảo lợi nhuận, nhất là khi giá phân bón và nhiều chi phí đầu vào đang tăng lên ở mức rất cao. Bên cạnh những hộ đã nhận tiền cọc đồng ý bán lúa, cũng có nhiều nông dân chờ đến cận ngày thu hoạch lúa mới “chốt giá”, hy vọng bán được giá cao hơn hiện nay.
Bên cạnh đó, theo báo Vĩnh Long, tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Nhơn Bình (Trà Ôn), DAP Nga 1.360.000 đ/bao, NPK 16-16-8 Đầu trâu 850.000 đồng/bao, Humic Nhật, bao 10kg giá 620.000đồng/bao. Rất nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng giá từ 50- 80%, thậm chí có loại tăng hơn gấp đôi. So năm 2020, phân DAP Trung Quốc loại 1 từ 650.000 đồng/bao hiện đã là 1.380.000 đồng/bao, phân Urê Cà Mau từ 400.000 đồng/bao thì hiện giá là 920.000 đồng/bao
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng - Sản xuất nông nghiệp Tân Quới (thị trấn Tân Quới - Bình Tân) cho biết: Giá phân bón, vật tư nông nghiệp những tháng đầu năm nay ở mức cao khiến chi phí sản xuất của nông dân bị đội lên nhiều.
Thời điểm phân, thuốc mắc, người dân đi mua chịu, ghi vào sổ tính lãi thì càng mắc hơn. Để chia sẻ với nông dân, HTX định hướng đầu tư phân bón, vật tư nông nghiệp cho người dân sản xuất theo vụ, thu mua sản phẩm theo kiểu “đầu tư trước rồi trừ lại, không tính lãi.
Bên cạnh các giải pháp để “hạ nhiệt”, kiểm soát giá phân bón thì vấn đề thay đổi thói quen canh tác, sử dụng phân bón phù hợp, hiệu quả hơn là hết sức cần thiết.
Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ, sản xuất nông nghiệp tiêu phí 50 - 60% phân bón hóa học. Nếu nông dân vẫn bón phân như từ trước đến giờ thì sẽ phải tiếp tục bón nhiều phân hơn để cây cối đạt sản lượng bằng những năm trước, chi phí cho phân bón sẽ tăng đáng kể.
Giải pháp cho vấn đề này là phải sử dụng phân bón một cách hữu hiệu hơn, sạch hơn. Cần sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, giảm thiểu phân bón hóa học, khi vi sinh vật xuất hiện trở lại thì tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật cũng sẽ giảm tương ứng với phân bón hóa học.