Giá LNG giao ngay có thể tăng vọt nếu xung đột Mỹ - Iran leo thang
Những hậu quả tiềm tàng của cuộc xung đột Mỹ - Iran rất lớn và các chuyên gia phân tích cảnh báo ảnh hưởng không chỉ xuất hiện trên thị trường dầu mỏ mà sẽ lan sang cả các thị trường sản phẩm năng lượng khác, như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), theo Oilprice.
Quố gia láng giềng của Iran - Qatar tính đến thời điểm hiện tại là nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới. Năm ngoái, theo số liệu của S&P, Qatar đã cung cấp 22% LNG toàn cầu. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, nguồn cung này có thể bị gián đoạn.
"Nếu căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang, nhiều khả năng giá LNG tại châu Á sẽ tăng cao, phản ánh lo ngại nguồn cung LNG tại Trung Đông có thể giảm nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa hoặc hạn chế xuất khẩu", chuyên gia David Lenesma từ Viện nghiên cứu năng lượng Oxford cho biết.
Điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà sản xuất LNG, một vài trong số họ đang chật vật kiếm lợi nhuận trong bối cảnh nguồn cung dư thừa do việc bổ sung một số dự án qui mô lớn trong vài năm qua.
Tuy nhiên, một số nhận định cho rằng khả năng Qatar tham gia vào cuộc xung đột này là không quá lớn. "Qatar có mối quan hệ tốt với cả hai bên Mỹ - Iran và ít có khả năng bị nhắm làm mục tiêu", S&P dẫn lời một chuyên gia phân tích giấu tên.
"Ngoại trừ trường hợp phong tỏa hoàn toàn eo biển Hormuz, các vấn đề khác khó có thể có tác động đến việc sản xuất LNG. Và nếu có xảy ra, việc phong tỏa cũng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn."
Nói cách khác, vẫn đủ nguồn cung LNG có sẵn bên ngoài khu vực Trung Đông để giữ giá ổn định ngay cả khi chiến tranh giữa Mỹ và Iran nổ ra.
Trên thực tế, năm ngoái Australia đã vượt qua Qatar trở thành nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu thế giới, xuất khẩu 77,9 triệu tấn LNG vào năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty tư vấn EnergyQuest. Trong khi đó, Qatar xuất khẩu khoảng 75 triệu tấn.
"Thị trường LNG đang dư thừa cung, do đó sự gián đoạn đối với xuất khẩu LNG từ các nước vùng Vịnh có thể được cân bằng bởi nguồn cung từ bên ngoài khu vực và các kho đã bổ sung dự trữ trong một vài tuần, thậm chí một vài tháng", nhà phân tích Morten Frisch cho biết.
Mặc dù khả năng Qatar bị lôi kéo vào cuộc xung đột rất nhỏ, trên thực tế mối quan hệ gần gũi với Iran vẫn đủ sức đẩy giá LNG trên thị trường giao ngay.
Điều này thường xảy ra với giá dầu mỗi khi căng thẳng nổ ra ở Trung Đông, bất kể sự bùng nổ thực sự dữ dội đến mức nào. Thị trường hàng hóa rất nhạy cảm với rủi ro địa chính trị, bất kể nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Với độ nhạy cảm cao, giá LNG sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện tại, giá vẫn ổn định nhưng không phải là do khả năng gián đoạn nguồn cung thấp. Nguyên nhân chính là các hoạt động giao dịch giảm trong dịp lễ Giáng sinh kết hợp với tính thanh khoản thấp.
Nguồn cung LNG ở một số thị trường tiêu thụ chính như châu Âu rất dồi dào, sẽ tạo bước đệm chống lại cú sốc giá trong trường hợp Qatar tham gia vào cuộc xung đột ở Trung Đông.
Trong khi đó, dữ liệu mới cho thấy Trung Quốc đã phá vỡ kỉ lục nhập khẩu LNG vào tháng trước, tiêu thụ đến 7.189 triệu tấn nhiên liệu, theo dữ liệu của Refinitiv Eikon.
Con số này cao hơn gần 16% so với khối lượng nhập khẩu LNG tháng 11 của Trung Quốc, và gợi ý nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới cũng có đủ nguồn cung để vượt qua sự gián đoạn tiềm tàng.