|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Singapore muốn trở thành trung tâm sản xuất LNG của châu Á khi nhu cầu khí đốt tăng cao

10:56 | 08/01/2020
Chia sẻ
Khi nhu cầu năng lượng sạch tăng lên ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, Singapore đã tăng cường nỗ lực để trở thành trung tâm kinh doanh khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), tận dụng vị thế trung tâm tài chính và thương mại hiện tại.
Singapore hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất LNG của châu Á khi nhu cầu khí đốt tăng cao - Ảnh 1.

Singapore hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất LNG của châu Á khi nhu cầu khí đốt tăng cao. Ảnh: Nikkei Asian Review

Tháng 11/2019, Singapore bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng nhà máy LNG thứ hai. Nhà máy này có thể được sử dụng để chia các lô LNG qui mô lớn thành các phần nhỏ hơn và cung cấp cho khu vực châu Á, theo trang Nikkei Asian Review.

Nhà máy LNG mới có khả năng hiện thực hóa mục tiêu biến Singapore thành trung tâm thương mại LNG ở châu Á, ông Robert Sims, người dẫn đầu nghiên cứu về khí đốt và khí hóa lỏng (LNG) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nhận định.

Nhu cầu LNG tại châu Á ngày càng lớn

Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có thể sẽ phát triển phụ thuộc nhiều hơn vào LNG. 

Trung Quốc và Ấn Độ là nhà nhập khẩu lớn trong khi Việt Nam và Philippines dự kiến sẽ bắt đầu nhập khẩu nhiên liệu vào những năm 2020.

Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ là những nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới năm 2018, trong khi Qatar và Australia là những nhà xuất khẩu hàng đầu.

Nhu cầu LNG toàn cầu dự kiến sẽ tăng 3,6% mỗi năm đến năm 2035, theo một báo cáo gần đây từ McKinsey & Co

"Trung Quốc sẽ là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu LNG, vì nguồn cung và vận chuyển khí đốt bằng đường ống của quốc gia châu Á không đủ để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu. Tương tự, Bangladesh, Pakistan và Nam Á sẽ dựa vào LNG để đáp ứng nhu cầu, thay thế nguồn cung trong nước đang suy giảm", các tư vấn cho biết.

Philippines đang chuẩn bị các cơ sở nhập khẩu LNG và công ty dầu khí nhà nước của Việt Nam có kế hoạch bắt đầu nhập khẩu nhiên liệu vào những năm 2020. 

Cả 2 nước đều tự sản xuất khí đốt, nhưng nhu cầu trong nước tăng vọt buộc họ phải nhập thêm nguồn nhiên liệu từ các nhà sản xuất ở nước ngoài.

Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm châu Á LNG khi nhu cầu tăng cao - Ảnh 2.

Nhập khẩu LNG của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Bcf). Ảnh: Nikkei Asian Review

Singapore đã xây dựng nhà máy sản xuất LNG đầu tiên vào năm 2013, và đưa ra chính sách nhập khẩu LNG giao ngay, theo đó cho phép người mua nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường, vào 2018.

Hiện 95% nguồn điện của nước này được tạo ra từ khí đốt tự nhiên nhập khẩu, theo cơ quan năng lượng của Singapore. Trong đó, nhập khẩu qua đường ống từ Indonesia và Malaysia chiếm 71%; 29% còn lại đến từ khu vực khác thông qua tàu.

Tuy nhiên, vào tháng 11/2019, Indonesia cho biết họ sẽ ngừng cung cấp LNG từ Sumatra cho Singapore khi thỏa thuận giữa hai nước hết hạn vào năm 2023, đồng thời bổ sung rằng khí đốt sẽ được chuyển vào thị trường nội địa. 

"Lượng khí đốt ở Sumatra rất lớn. Nguồn cung cấp cho Singapore sẽ kết thúc vào năm 2023 và sẽ được sử dụng trong nước", Bộ trưởng Tài nguyên và Khoáng sản Indonesia Arifin Tasrif cho biết trong một tuyên bố.

Ông Robert Sims của Wood Mackenzie cho biết, nhu cầu LNG nội địa tăng lên dường như không ảnh hưởng đến mục tiêu biến Singapore thành trung tâm sản xuất LNG. 

"Tuy nhiên, yêu cầu mở rộng nhà máy LNG hiện tại hoặc xây dựng thêm cơ sở thứ hai, cùng với việc tăng cường LNG sẽ giúp ích rất nhiều", ông nhận định.

London và Rotterdam là trung tâm giao dịch LNG toàn cầu, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc đang cạnh tranh để trở thành trung tâm giao dịch tại khu vực châu Á.

Trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực không nhất thiết phải có các cơ sở lưu trữ năng lượng mà thay vào đó, đây sẽ là nơi liên kết người mua và người bán, ông Chang Young Ho, phó giáo sư tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho biết. 

Việc trở thành một trung tâm thương mại LNG sẽ có lợi cho Singapore vì sẽ thu hút các thương nhân và các công ty liên quan, tạo việc làm và vận hành các tổ chức tài chính địa phương, ông Chang cho biết thêm.

Singapore đã có một số thành công trong lĩnh vực khí hóa lỏng (LNG), với ít nhất 45 công ty liên quan đến lĩnh vực này đã có văn phòng tại Singapore tính đến tháng 3/2019, theo chính phủ Singapore. 

Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn.

"Thách thức của việc biến Singapore thành một trung tâm LNG là thị trường LNG chưa được thương mại hóa hoàn toàn, và việc dỡ hàng, lưu trữ và nạp lại LNG vẫn phải chịu phí phạt so với tối ưu hóa LNG ngay trên biển", ông Sims cho biết.

"Là một quốc gia nhỏ và nhu cầu LNG lớn, việc tạo ra thanh khoản đầy đủ cho phương thức giao hàng tại tàu (DES) ở thị trường Singapore sẽ khó khăn hơn so với thị trường Nhật Bản - Hàn Quốc, hoặc phương thức giao hàng lên tàu (FOB) tại Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ," ông Sims lưu ý thêm. 

DES, hay giao hàng tại tàu, là người bán giao hàng cho người mua ngay tại cảng đích, trong khi FOB (giao hàng lên tàu), là người bán có quyền sở hữu hàng hóa cho đến khi hàng hóa đó được đưa lên tàu tại cảng xuất.

Năm 2019, Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) đã ngừng công bố các chỉ số giá LNG giao ngay, được ra mắt vào năm 2016 như một phần trong mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất khí đốt.

Điều này là do sự cạnh tranh từ các cơ quan định giá khác được thành lập ngày một nhiều, theo báo cáo của Reuters.

Thay vào đó, SGX đã tập trung vào việc vận chuyển LNG như một mặt hàng được giao dịch quốc tế trên biển. SGX đã tạo ra 3 chỉ số vận chuyển LNG thông qua công ty con Baltic Exchange tại London, với chỉ số đầu tiên được phát hành vào tháng 3/2019.

Ngọc Ánh