|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EU lo lắng trước kế hoạch tạm dừng xuất khẩu LNG của Mỹ?

15:08 | 05/02/2024
Chia sẻ
Theo Reuters, các quan chức năng lượng và nhà phân tích của EU cho biết Châu Âu sẽ có đủ nguồn cung cấp khí đốt trong 10 năm tới bất chấp động thái của chính quyền Mỹ tạm dừng phê duyệt các nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới.

Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất sang châu Âu, sau khi khối này áp các lệnh trừng phạt đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga. Châu Âu chiếm khoảng 60% lượng khí LNG xuất khẩu của Mỹ trong hai năm qua. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã tạm dừng phê duyệt đơn xin xuất khẩu từ các dự án LNG mới để xem xét tác động của biến đổi khí hậu và kinh tế của các dự án đó. Các công ty khí đốt cảnh báo rằng điều này sẽ làm tổn hại đến an ninh năng lượng toàn cầu và các nỗ lực giảm lượng khí thải.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu nói với Reuters rằng quyết định của Mỹ “sẽ không có bất kỳ tác động ngắn hạn và trung hạn nào” đối với an ninh cung cấp khí đốt của EU.

Châu Âu đã sống sót qua hai mùa đông mà không có khí đốt của Nga, nhờ nhu cầu sưởi ấm thấp hơn do thời tiết ôn hòa và giá năng lượng cao buộc một số ngành công nghiệp phải đóng cửa.

Ngay cả khi các dự án mới bị tạm dừng, Mỹ vẫn chuẩn bị mở rộng công suất LNG.

Ông Jacob Mandel, Cộng tác viên cấp cao tại Aurora Energy Research cho biết: “Có một số dự án của Mỹ đang được xây dựng hoặc đã được phê duyệt”.

Công suất LNG của Mỹ sẽ tăng gần gấp đôi lên khoảng 24,5 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) vào cuối năm 2028 nếu tất cả dự án được phê duyệt đều được xây dựng.

Về lâu dài, mức tiêu thụ khí đốt của Liên minh Châu Âu dự kiến ​​sẽ giảm do khối này giảm dần sử dụng năng lượng hoá thạch để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu. Do đó khu vực này có thể không cần thêm LNG của Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu ở những nơi khác trên thế giới tăng trưởng mạnh đồng nghĩa với việc khí LNG của Mỹ vẫn có thể tiêu thụ được. 

Bà Anne-Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho biết: “Các tín hiệu cho thấy lượng tiêu thụ khí đốt của EU đang giảm dần.  Đặc biệt là sau năm 2030, những quyết định của ông Biden sẽ có tác động rõ rệt”.

Tín hiệu 'đáng lo ngại'

Các nhà nhập khẩu khí đốt SEFE và Uniper (Đức) và JERA (Nhật Bản) và các nhóm vận động hành lang đã cảnh báo rằng quyết định của Mỹ có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng trên toàn thế giới.

SEFE và JERA có kế hoạch mua khí đốt từ nhà máy Calcasieu Pass 2 của Venture Global LNG, một trong những dự án bị ảnh hưởng bởi quyết định tạm dừng.

Uniper, nhà kinh doanh khí đốt lớn nhất của Đức, cho biết: “Việc xem xét lại kế hoạch có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với an ninh năng lượng của Đức và châu Âu trong tương lai, chẳng hạn như dưới hình thức tăng giá do thiếu hụt nguồn cung trên thị trường”.

Một nguồn tin cấp cao tại một công ty năng lượng lớn của Mỹ cho biết, các công ty năng lượng ở những khu vực như Permian có thể phải đốt lượng khí đốt tự nhiên dư thừa khi sản xuất dầu nếu họ không có đầu ra. Điều này góp phần làm trái đất nóng lên.

Ông Giles Farrer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản khí đốt và LNG tại Wood Mackenzie, cho biết: “Quyết định này có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo và tốc độ tăng trưởng của ngành và có khả năng thắt chặt thị trường trong thời gian dài”.

Liên minh Khí đốt Quốc tế, với hơn 150 thành viên, cho biết quyết định của Mỹ "rất đáng lo ngại...(và) sẽ gây tổn hại đến an ninh năng lượng và giảm phát thải toàn cầu".

Tập đoàn công nghiệp LNG Allies của Mỹ kêu gọi Washington cho phép thị trường quyết định nên xây dựng dự án LNG mới nào.

“Hầu hết chuyên gia dự đoán rằng nhu cầu LNG sẽ còn tốt trong những năm 2030. Nếu nguồn cung của Mỹ không tăng để đáp ứng nhu cầu đó, liệu các quốc gia cần khí đốt tự nhiên sẽ quay trở lại Nga? Hay sử dụng than?” LNG Allies cho biết.

H.Mĩ