Giá khí đốt tại châu Âu giảm mạnh do dư dôi nguồn cung
Giá khí đốt tại châu Âu giảm mạnh do dư dôi nguồn cung. Ảnh: reuters
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích thị trường, xu hướng này nhiều khả năng sẽ không kéo dài lâu.
Mùa Đông vừa qua ở châu Á khá ôn hòa kết hợp với thông tin Nhật Bản tái khởi động nhà máy hạt nhân, cùng nguồn cung dồi dào từ Mỹ và Nga đã khiến cho xuất khẩu LNG sang châu lục này đi xuống.
Khi giá khí đốt giảm và chạm mức thấp của 3 năm tại châu Á, nó đã được chuyển hướng sang châu Âu.
Trong bối cảnh chi phí vận chuyển LNG tăng trong mùa Đông, châu Âu - với vị trí địa lý gần hơn - đã trở thành một thị trường có lợi nhuận cao hơn châu Á cho các hàng hóa từ Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, sự chuyển hướng về xuất khẩu nói trên rốt cuộc lại đến tình trạng dư dôi nguồn cung LNG tại châu Âu và kết quả là giá khí đốt ở “lục địa già” đi xuống.
Chẳng hạn tại Vương quốc Anh, giá gas bán buôn chỉ ở mức trên 31 xu Anh mỗi therm (đơn vị đo lường khí đốt của Anh), mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2016 và ở dưới mức trung bình của 5 năm là 46 xu Anh mỗi therm.
Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, công ty dịch vụ tài chính Citigroup đưa ra dự báo giá khí đốt có thể tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp trong nhiều tuần, thậm chí cho đến giữa năm 2019, và chỉ phục hồi sau khi thị trường đã giải quyết được những xung đột về cung, cầu và vấn đề vận chuyển.
Biến động về giá khí đốt cho thấy các thị trường khí đốt trên toàn thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ. Châu Á và châu Âu hiện là hai khu vực nhập khẩu LNG chủ chốt, và cho tới gần đây, nhu cầu LNG mạnh mẽ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã giúp cho chuẩn JKM ở châu Á cao hơn mức giá loại tương tự tại thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, ông Sam Laidlaw, nhà lãnh đạo của công ty năng lượng Neptune Energy, nhận định việc giá khí đốt suy giảm chỉ là một diễn biến ngắn hạn, bởi nhu cầu của các thị trường châu Á sẽ hồi phục.
Theo chuyên gia này, nếu tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh được giải quyết, hoạt động xuất khẩu dầu và LNG từ Mỹ sang châu Á sẽ tăng lên, qua đó thắt chặt nguồn cung cho châu Âu.