|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá khí đốt sụt giảm mạnh trên toàn cầu

17:56 | 05/04/2019
Chia sẻ
Giá khí đốt tự nhiên đang sụt giảm mạnh cho trên toàn cầu khi nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tràn ngập thị trường, làm dấy lên một số lo ngại rằng các nước xuất khẩu sẽ phải hạn chế sản lượng đồng thời đặt ra các nghi ngờ về các dự án đầu tư LNG mới.
Giá khí đốt sụt giảm mạnh trên toàn cầu - Ảnh 1.

Trong năm nay, chỉ số giá LNG chuẩn của châu Á hay còn gọi là chỉ số JKM (đường màu xanh nhạt) đã giảm hơn 50% về mức chỉ còn hơn 4,5 đô la/ một triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh), mức thấp nhất trong ba năm qua. Ảnh: Financial Times.

Theo hãng tin Bloomberg, giá khí đốt thường giảm vào giai đoạn này mỗi năm do thời tiết dịu mát lên ở Bắc bán cầu làm suy giảm nhu cầu, song mức giảm mạnh hơn dự kiến và đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Ngày 1/4, chỉ số giá LNG chuẩn của châu Á hay còn gọi là JKM (Japan - Korea Marker) chỉ ở mức hơn 4,5 đô la/ một triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh), mức thấp nhất trong ba năm qua. Thậm chí vào những ngày cuối tháng 3, chỉ số JKM xuống thấp hơn các chỉ số giá LNG ở châu Âu, một hiện tượng hiếm khi xảy ra. Trong khi đó, tại Mỹ, các hợp đồng giao dịch khí đốt tương lai đã giảm hơn 8% trong năm nay.

Sản lượng xuất khẩu LNG dồi dào từ Úc, Nga và Mỹ đã đẩy giá khí đốt ở châu Á giảm hơn 50% trong năm nay sau một mùa đông ít khắc nghiệt hơn thường lệ.

Cú sụp đổ giá diễn ra khi lãnh đạo công ty năng lượng lớn nhất thế giới đang cân nhắc liệu có nên thúc đẩy các dự án xuất khẩu LNG trị giá hàng tỉ đô la. Cho dù các lo ngại về biến đổi khí hậu đang thúc đẩy sự chuyển đổi từ các nhà máy nhiệt điện than sang các nhà máy điện khí, nhu cầu mới không tăng đủ nhanh để hấp thụ nguồn cung khí đốt tăng vọt.

Francisco Blanch, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu và phái sinh ở Ngân hàng Bank of America ở New York cho biết, thị trường khí đốt rõ ràng đang tiếp tục bị ảnh hưởng sau một mùa đông ấm hơn thường lệ, khiến nhu cầu suy giảm. Ông nói: “Chúng tôi đang chứng kiến dư thừa nguồn cung khắp nơi và chúng tôi không nhìn thấy tình trạng này sẽ thay đổi nhiều”.

Giá khí đốt sụp đổ, trái ngược với giá dầu thô vừa có quí tăng giá tốt nhất kể từ năm 2009 sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác cắt giảm sản lượng giữa lúc nguồn cung từ Iran và Venezuela suy giảm.

Vì khí đốt là sản phẩm phụ trong quá trình khoan khai thác dầu ở những nơi như vùng bồn chảo Permian ở Tây Texas, trung tâm dầu đá phiến của Mỹ nên đà tăng giá dầu thô càng khiến nguồn cung khí đốt dồi dào hơn.

Giá khí đốt ở châu Âu vẫn đang cao hơn tương đối so với ở Mỹ, nếu mức chênh lệch này thu hẹp hơn, các nhà sản xuất Mỹ có thể bị buộc phải cắt giảm sản lượng, theo Ngân hàng Societe Generale (Pháp). Thị trường khí đốt sụp đổ đúng ngay lúc các kho cảng xuất khẩu LNG ở bờ biển vùng Vịnh của nước Mỹ đang được xây dựng để xuất khẩu LNG chuẩn bị đi vào hoạt động.

Các nhà phân tích dự báo nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng chậm lại sau khi đã chứng kiến mức tăng 50% và 40% lần lượt vào các năm 2017 và 2018.

Giá khí đốt sụt giảm mạnh trên toàn cầu - Ảnh 3.

Các bồn trữ LNG của Tập đoàn Hóa chất và dầu khí Trung Quốc (Sinopec) ở TP. Thiên Tân (Trung Quốc). Ảnh: Reuters


Trong báo cáo gửi cho các khách hàng hồi cuối tháng 3, các nhà phân tích ở Ngân hàng Citigroup nhận định: “Giá LNG có thể tiếp tục giảm và duy trì mức thấp trong nhiều tuần, có lẽ cho đến thời điểm gần giữa năm sau khi thị trường điều chỉnh và vượt qua được các chênh lệch về cung cầu”.

Meg Gentle, Giám đốc điều hành Công ty khí đốt tự nhiên Tellurian (Mỹ), cho rằng nguồn cung khí đốt đang tràn ngập quá nhiều trên thị trường nên giá khí đốt không thể hồi phục bền vững cho đến khi nhu cầu sưởi ấm bắt đầu tăng lên ở bắc bán cầu vào mùa đông tới.

Tổn thương giá trong ngắn hạn dường như đi ngược lại với các kỳ vọng của các nhà xuất khẩu ở Mỹ và Canada đang lên kế hoạch đầu tư hàng tỉ đô la để xây dựng nhà máy và các kho cảng xuất khẩu LNG mới. Nguồn cung LNG dự kiến tăng thêm mức kỷ lục 40 triệu tấn trong năm nay và điều này sẽ càng gây áp lực cho giá LNG ở châu Á.

Giới phân tích lưu ý nếu giá khí đốt không cải thiện, các dự án xuất khẩu LNG ở Mỹ và Canada có thể không trở thành hiện thực.

Về dài hạn, khí đốt vẫn có triển vọng sáng sủa. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu sẽ tăng 1,6% trong năm năm tới. Khí đốt sẽ vượt than trở thành nguồn năng lượng lớn thứ hai của thế giới sau dầu mỏ vào năm 2030 trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.


Lê Linh