|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

‘Giá heo hơi cao, lợi nhuận lớn nhưng rất bấp bênh’

14:00 | 20/09/2018
Chia sẻ
Giá heo hơi tăng mạnh tại miền Bắc trong những tháng gần đây, với mức kỷ lục được ghi nhận là 57.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này không khiến người chăn nuôi cảm thấy an toàn.

Ngành chăn nuôi heo Việt Nam đang ngày càng phát triển khi đứng thứ 7 thế giới về số lượng đầu con xuất chuồng trong năm 2017 và đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt, theo dịch vụ nông nghiệp quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, chăn nuôi manh mún chiếm tỷ lệ cao, năng suất thấp, chất lượng và cách quản lý giá, tiêu thụ yếu kém là những nhân tố kìm hãm sự phát triển của ngành.

‘Giá heo hơi cao, lợi nhuận lớn nhưng rất bấp bênh’

Theo anh Trần Xuân Văn (tên nhân vật đã được thay đổi) - một hộ chăn nuôi lâu năm tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, giá heo hơi những tháng gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, tăng mạnh so với cùng thời điểm của năm trước, nhưng anh vẫn tỏ ra khá lo ngại.

“Hiện, với mức giá heo hơi xuất chuồng vào khoảng 52.000 – 52.500 đồng/kg, và lên đến 53.000 đồng đối với heo đẹp, tôi có thể có lời từ 1 – 1,2 triệu đồng/con heo. Nhưng mức lợi nhuận này rất bấp bênh”, vì giá tiếp tục duy trì ở mức này thì không sao tuy nhiên nếu nó giảm mạnh một lần nữa thì người chăn nuôi chắc chắn lỗ nhiều hơn, anh Văn nói.

Anh Văn cho biết: "Thà lời được 200.000 – 300.000 đồng/con heo nhưng ổn định, còn hơn lời hơn 1 triệu mà lo ngại không biết khi nào giá sẽ giảm".

Không cần giá quá cao, “Nhưng có đơn sản xuất trước, hoặc các nhà máy đề nghị mỗi tháng bao nhiêu con heo, lời tầm 200.000 – 300.000/con heo nhân đầu con nhân thời gian lên là được”, theo anh Văn.

Tuy nhiên, chăn nuôi heo tại Việt Nam chủ yếu là tự phát, manh mún vì vậy việc tìm đầu ra cho đàn heo đến tuổi xuất chuồng đều phụ thuộc vào bên trung gian là các thương lái. Do đó, giá heo hơi xuất chuồng cũng được chính bên trung gian định giá.

gia heo hoi cao loi nhuan lon nhung rat bap benh
Ảnh: Getty Images.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê ước tính chăn nuôi hộ gia đình dù đã giảm xuống 2,5 triệu hộ do đợt khủng hoảng về giá năm 2017, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên cả nước so với mô hình chăn nuôi trang trại và chăn nuôi heo gia công.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng giá thịt heo năm 2017, mặc dù giá heo hơi chỉ ở dao động trong khoảng 20.000 đồng/kg, có nơi xuống thấp hơn nhưng giá thịt heo mảnh bán tại chợ và các siêu thị vẫn ở mức cao, tăng gấp 3 – 4 lần so với giá bán tại trại.

Theo anh Văn, vào thời điểm nào (nguồn cung dư thừa hay thiếu hụt), bên trung gian vẫn thu được lợi nhuận lớn nhất, và dù thiếu heo thì người chăn nuôi cũng vẫn bị ép giá.

“Tính theo giá heo hơi xuất ra từ trại vào thời điểm hiện tại, người trung gian đi bắt về giết mổ, lãi ít nhất 450.000 – 50.000 đồng/con, trong khi vòng quay rất nhanh … Những điểm mổ heo tại một số huyện bao tiêu một khu vực, chỉ bán từ 6 - 7h sáng, thương lái lấy heo về, mỗi phiên khoảng 70 con, nhân với mức lời 500.000 đồng/con thì hỏi xem họ lời được bao nhiều.

Rồi người đến lò mổ lấy heo mang ra chợ bán cũng được 600.000 đồng/con. Giá mua móc, cao nhất là như hôm nay là 71.000 đồng/kg. Bóc tách giá từng bộ phận như đùi giá bao nhiêu, thăn, mông, xương, mỡ. Thấp nhất là mỡ heo, người ta bán cũng bán hơn 50.000 đồng/kg, còn những bộ phận còn lại bán tới 110.000 – 120.000/kg”, anh Văn nói.

Bên trung gian vốn bỏ ra ít, chi phí vận chuyển không nhiều, vòng quay nhanh trong ngày, không chịu thiệt hại gì, trong khi đó người nông dân nuôi 4,5 – 5 tháng mới được một lứa heo, lời thì không sao nhưng lỗ thì “ai thương”, anh Văn nói thêm.

gia heo hoi cao loi nhuan lon nhung rat bap benh
Ảnh minh họa.

Người chăn nuôi thiệt một, người tiêu dùng thiệt hai

Như vậy, với mô hình trung gian kép này, người chăn nuôi không được hưởng mức chênh lệch gấp mấy lần qua mỗi lần trung gian, còn người tiêu dùng vẫn phải trả thêm từng đó để mua thịt heo.

Thực tế, khâu trung gian này vẫn chưa được quản lý sát sao.

Khi thị trường khan heo thì tự bên trung gian đẩy giá lên, đầu tiên là bên đi thu mua heo về, sau đó là bên lấy thịt về bán cho người tiêu dùng, như vậy giá đã bị đẩy lên hai lần, anh Văn cho biết.

“Quanh đi quẩn lại người chăn nuôi và tiêu dùng vẫn là những người chịu thiệt”, anh Văn nói.

Nói về dịch bệnh tả heo châu Phi đang bùng phát tại Trung Quốc, anh Văn rất lo ngại vì hiện chưa có vacxin phòng ngừa, trong khi một khi nhiễm bệnh, khả năng heo chết lên đến 100%. Theo anh đây là mối đe dọa lớn nhất đối với thị trường heo hiện tại.

Theo anh Văn, dù không phải một hộ chăn nuôi lớn, nhưng mô hình chăn nuôi của anh được đầu tư khá chuyên nghiệp, áp dụng mô hình của Thái Lan. Gia đình anh kiểm soát toàn bộ quy trình phối giống, tiêm vacxin, nguồn cung thức ăn chăn nuôi, thuốc và vacxin. Mặc dù vậy, mô hình của gia đình anh chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường.

“Vì thị trường đều manh mún như vậy nên người chăn nuôi có làm tốt thì cũng không có giá cao, muốn làm hàng chuẩn, hàng sạch nhưng bán giá không ai mua”, vì nhân tố trung gian, anh Văn nói thêm. Và do đó, người tiêu dùng không có cơ hội ăn thịt sạch.

Mặc dù thời gian gần đây, ngành chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi heo rất được quan tâm, không chỉ vì sự biến động mạnh về giá trong hai năm qua, mà còn vì lo thịt heo xuất khẩu chính ngạch đầu tiên đã được thực hiện, mang lại triển vọng tươi sáng cho ngành.

Tuy nhiên, để có thể thúc phát triển toàn diện ngành, cải thiện cuộc sống của người chăn nuôi, ngoài việc tập trung vào mô hình trang trại và giống, một cơ chế quản lý hai cầu trung gian, nguồn cung thức ăn, thuốc và đầu ra là hết sức cần thiết.

Xem thêm

Tố Tố