Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chạm đỉnh 13 tháng
Reuters cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tăng mạnh trong tuần này bởi thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tại những nước nhập khẩu lớn, như Bangladesh và Philippines, sẽ tăng mạnh.
Cụ thể tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất tại cảng Sài Gòn tăng từ 365 – 370 USD/tấn lên 360 – 380 USD/tấn trong tuần này. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 4/2016.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng sau khi Bangladesh ngày 23/5 cho biết sẽ mua ngay lập tức 250.000 – 300.000 tấn gạo Việt Nam và dự kiến nhập thêm 500.000 tấn gạo nữa cho tới cuối năm 2017. Cũng theo Bản ghi nhớ giữa hai chính phủ, Bangladesh sẽ mua 1 triệu tấn gạo Việt Nam mỗi năm cho tới tận năm 2022.
Trước đó vào ngày 22/5, Philippines cũng cho biết sẽ đấu thầu hợp đồng nhập khẩu 250.000 tấn gạo từ các nước xuất khẩu gạo chính như Thái Lan, Việt Nam và có thể là Ấn Độ, trong tháng 6.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chạm đỉnh 13 tháng vì nhu cầu tăng. (Ảnh: Reuters) |
Giá gạo 5% tấm xuất tại cảng Bangkok của Thái Lan theo đó cũng lên cao nhất 9 tháng ở 411 – 412 USD/tấn trong tuần này, từ mức 385 – 411 USD/tấn của tuần trước.
“Giá gạo đang tăng rất mạnh. Nguồn cung ngày càng giảm vì nhu cầu tiêu thụ lớn,” một thương lái ở Bangkok cho biết.
Giá gạo liên tiếp tăng dấy lên lo ngại trong giới thương lái rằng, giá cao sẽ gây khó cho việc mua trữ hàng để xuất khẩu cũng như thiếu hụt nguồn cung trên thị trường nội địa.
“Sau tin tức từ Bangladesh, tôi không thể mua thêm gạo. Thị trường gạo đang rất căng thẳng dù chẳng có hợp đồng thương mại thực tế nào,” một thương lái ở TP HCM cho biết.
Hiện tại, Thái Lan và Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới.
Trong khi đó tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm cũng tăng 7 USD lên 398 – 403 USD/tấn trong tuần này, nhờ nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước châu Phi tăng nhẹ và giá thóc nội địa không ngừng tăng.
“Giá gạo xuất khẩu đang tăng, cùng với xu hướng giá tại các nước khác. Nhu cầu tiêu thụ gạo ở các nước châu Phi cũng cải thiện hơn,” ông M.Adishankar, Giám đốc công ty xuất khẩu Sri Lalitha tại bang Andhra Pradesh nói.
Trong hai tháng qua, giá gạo Ấn Độ liên tục tăng mạnh, bởi chính phủ tăng cường mua tích trữ và đồng rupee tăng giá đã đẩy giá thóc nội địa lên cao. “Giá thóc tại thị trường nội địa tăng buộc chúng tôi phải tăng giá xuất khẩu,” đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu khác ở Kakinada cho hay.
Giá gạo toàn cầu có thể sẽ lên cao hơn bởi nhu cầu từ Bangladesh rất lớn, giới thương lái và quan chức chính phủ nước này dự báo. Hồi đầu tháng 5, cơ quan quản lý lương thực Bangladesh từng tuyên bố, chính phủ nước này sẽ nhập khẩu 600.000 tấn gạo.
Bangladesh hiện là nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới với sản lượng trung bình khoảng 34 triệu tấn. Tuy nhiên đến năm nay, Bangladesh có thể trở thành một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Bangladesh tăng cường nhập khẩu gạo bởi dự trữ gạo của nước này đang dần cạn kiệt trong khi giá gạo nội địa tăng mạnh.
Philippines sắp đấu thầu hợp đồng nhập khẩu gạo
Phiên đấu thầu hợp đồng nhập khẩu gạo tới đây của Philippines sẽ được tổ chức vào tháng 6 và cơ hội được mở ra ... |
Việt Nam sẽ cung cấp 1 triệu tấn gạo cho Bangladesh trong 5 năm
Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa Việt Nam và Bangladesh được ký kết vào ngày 23/5 nhân chuyến thăm và làm việc ... |
Thái Lan sắp bán hết gạo dự trữ
Vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã công bố phiên đấu thầu gạo thứ hai trong năm nay với tổng khối lượng 1,82 triệu tấn ... |
Giá gạo Việt Nam lên cao nhất 11 tháng
Tuần này, giá gạo Việt Nam và Thái Lan đồng loạt tăng mạnh lên cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây nhờ triển vọng ... |
Thêm cơ hội cho gạo Việt xuất sang Philippines
Chính phủ Philippines có thể phải nhập khẩu thêm gạo từ Việt Nam và Thái Lan để dự phòng cho mùa mưa bão sắp tới, ... |