|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan bật lên gần 656 USD/tấn, vượt qua hàng Việt Nam

07:57 | 31/01/2024
Chia sẻ
Ngày 26/1, giá gạo tấm 5% của Thái Lan bật lên mức 656 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Việt Nam 14 USD/tấn và hơn hàng Pakistan 18 USD/tấn.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật ngày 26/1 cho thấy xu hướng trái chiều, giá gạo Việt Nam giảm nhẹ, trong khi hàng Thái Lan và Pakistan tiếp tục tăng.

Sau khi lập đỉnh 663 USD/tấn vào cuối tháng 11/2023, giá gạo tấm 5% của Việt Nam giảm nhẹ, nhưng vẫn trên 650 USD/tấn. Đến cuối tháng 1/2024, giá gạo xuất khẩu Việt Nam có nhiều đợt giảm liên tiếp, xuống còn 642 USD/tấn. 

Trong khi đó, gạo tấm 5% Thái Lan và Pakistan tiếp tục tăng thêm 4 USD/tấn, lên 656 USD/tấn và 638 USD/tấn. Với mức giá này, giá gạo tấm 5% của Thái Lan cao hơn hàng Việt Nam 14 USD/tấn và hơn hàng Pakistan 18 USD/tấn.

 

Giá gạo tấm 25% của Việt Nam trong ngày 26/1 cũng giảm 4 USD/tấn, xuống còn 614 USD/tấn. Trong khi đó, hàng cùng loại của Thái Lan ổn định ở mức 585 USD/tấn; gạo tấm 25% của Pakistan giao dịch khoảng 586 USD/tấn. 

Dù có xu hướng đi xuống, song giá gạo 25% tấm của Việt Nam vẫn cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 29 USD/tấn và hơn hàng Paskistan 28 USD/tấn. Với mặt hàng này, gạo Việt Nam vẫn đang giữ mức giá cao nhất trên thị trường.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 500.000 tấn, tương ứng 347 triệu USD, tăng 39% về lượng và tăng 86% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân giá xuất khẩu gạo trong tháng 1 đạt 694 USD/tấn, tăng 34%.

 

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Philippines tại Hà Nội từ ngày 29-30/1, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Philippines sẽ ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác thương mại gạo.

Đây là một văn kiện quan trọng, đưa ra những định hướng lớn và một số hoạt động phối hợp giữa hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại gạo trong giai đoạn 5 năm tới.

MOU được ký kết trong bối cảnh năm 2023, tình hình sản xuất lương thực và thương mại gạo toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do tác động của nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia (Ấn Độ, Nga, UAE), biến đổi khí hậu, El Nino, xung đột, căng thẳng địa chính trị…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai Bộ trưởng thống nhất ngay sau khi Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo được ký kết và có hiệu lực, hai bên sẽ giao nhiệm vụ cho các đơn vị đầu mối tích cực trao đổi, xây dựng kế hoạch phối hợp để triển khai bản ghi nhớ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng cung ứng gạo ổn định và lâu dài cho thị trường Philippines.

Hoàng Anh