Gia đình kiếm 500 triệu mỗi tháng khởi nguồn từ 6 con chim đi lạc
Đà Nẵng dừng nuôi chim yến ở khu vực trung tâm |
Đường vào xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương bạt ngàn rừng cao su, bụi bay mù mịt vì nhiều xe tải qua lại. Vừa đến cổng làng, nhìn từng đàn chim yến chao lượn trên cao, hót líu lo liên hồi làm người đi đường như quên đi mệt mỏi. Mấy năm trở lại đây, nhờ đàn chim trời này mà người dân trong xã giàu lên. Trong đó, gia đình bà Vũ Thị Tuất (58 tuổi) là gương điển hình, thu nhập mỗi tháng hơn 500 triệu đồng.
Bà Tuất đã xây 7 ngôi nhà riêng cho yến ở. Việc nuôi yến không chỉ cho thu nhập cao mà mang lại niềm vui, đáp ứng được sở thích đi làm từ thiện của bà. Ảnh: NVCC. |
Năm 2010, trên tầng ba nhà bà có 6 con chim yến vào làm tổ. Ban đầu, bà nghĩ, đó là điềm lành nên chẳng để ý, cũng không xua đuổi đi. Mấy tháng sau, trong một buổi tập huấn về nông nghiệp, nghe thầy giáo nói về mô hình nuôi yến mang lại kinh tế cao, nghĩ đến tổ chim trời trong nhà mình, bà bàn với chồng bỏ công việc trồng cao su và kinh doanh vật liệu hiện tại để tập nuôi.
"Lúc đó, tôi nghĩ, mình già rồi, tính toán không chuẩn, hai con đã ở riêng, nên tìm cái gì đó làm, vừa có thời gian nghỉ lại có thu nhập", bà Tuất nói. Được chồng đồng ý, bà tự tìm hiểu và biết được, chim yến thích sống ở môi trường có địa hình trên cao 500 m so với mặt nước biển, có nhiều cây cối hoặc gần biển, rất phù hợp với nơi gia đình bà đang sống.
Sau khi tham khảo kỹ thuật nuôi, bà quyết định áp dụng cho mình, bằng cách, tận dụng tầng hai và tầng ba căn nhà đang ở, dùng gỗ bạch tùng (loại gỗ thích hợp để yến làm tổ) làm thành các kệ, lắp thêm camera theo dõi, máy phát âm thanh giống tiếng chim kêu, khoét lỗ tròn thông gió và lỗ vuông trên tường cho chim vào ở.
"Mấy ngày đầu, vợ chồng tôi ngồi theo dõi qua camera chẳng thấy con nào vào, 6 con kia cũng bay đi mất nên rất buồn, nghĩ vậy là thua rồi. Chồng an ủi vợ coi như thử nghiệm", bà Tuất nhớ lại. Kiên trì chờ qua ngày thứ 10, từng đàn chim trời cứ thế đua nhau bay về làm tổ. "Vợ chồng tôi vui quá, nhảy tâng tâng như trẻ con”, bà kể.
Không chỉ bán tổ yến, bà Tuất còn bán phân của chúng, mỗi kg từ 60 - 100 ngàn đồng. Ảnh: P.T. |
Hơn một năm sau, yến về đông đến nỗi hai tầng trên nhà chật kín, vợ chồng bà quyết định cải tạo nhà kho cũ để dụ chúng xuống. Nhờ lộc trời cho, vệ sinh sạch sẽ, thêm chút may mắn, vợ chồng bà nhanh chóng thu được số vốn ban đầu bỏ ra là 120 triệu.
Hiện nay, số yến đã lên đến hàng nghìn con, ngoài hai nơi cũ, bà Tuất xây thêm 7 căn nhà nữa ngay trong khu đất nhà mình làm chỗ ở cho chúng. Bà cho biết, mỗi tháng thu hai đợt, tương đương khoảng 20 kg, giá bán 20 - 30 triệu/kg tùy loại.
“Làm nghề này, vợ chồng tôi đã nhận được hai cái may mắn. Cái thứ nhất là chẳng phải bỏ vốn, công chăm sóc nhiều mà chim vẫn về. Thứ hai là chẳng phải đi tìm đầu ra. Khách hàng cứ mua ăn rồi giới thiệu đến. Tháng nào khách cũng phải đặt trước thì mới nhận được hàng”, bà chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Tuất lưu ý, chim yến thích sống ở môi trường có nhiệt độ 27-30 độC; độ ẩm từ 70-85% và ánh sáng là 0,2 lux. Đặc biệt, chúng sợ gặp nguy hiểm, vì thế chúng bay, sống theo đàn, làm tổ ở nơi đảm bảo an toàn, che khuất, ít bị thú ăn mồi đe dọa. Khi chúng tìm được một nơi an toàn sẽ gọi nhau bay về làm tổ.
Bà Tuất cho biết, không phải nhà nào nuôi yến cũng thành công, mà đòi hỏi phải làm đúng kỹ thuật và phải có duyên với loại chim này. Ảnh: P.T |
"Ông bà ta nói, đất lành chim đậu. Không phải nhà yến nào xây lên cũng dụ được chúng về ở đâu", bà Tuất nói.
Năm 2016, bà được nhận bằng khen do Thủ tướng trao tặng. Tiếng đồn vang xa, nhiều người tìm đến tham quan, học hỏi. Hiện các con cũng làm theo công việc của ba mẹ.
Ông Phạm Quang Khải, chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết, gia đình bà Tuất là hộ mạnh dạn bỏ nghề cũ để nuôi yến đầu tiên của xã. Hiện tại xã có đến hơn 200 hộ đầu tư nuôi, nhưng gia đình bà Tuất là thành công nhất. Các hộ khác vì nuôi sau và không có duyên hoặc xây nhà không đúng kỹ thuật nên không thành công hoặc thu nhập không cao như vậy.
“Nhiều gia đình bỏ rất nhiều vốn để đầu tư, xây nhà lớn, nhưng chị Tuất lại khác. Chị ấy làm từng bước một. Tôi nghĩ, người dân nên học hỏi để tránh những rủi ro”, ông Khải nói.
Xem thêm |