Giá điện tăng 3%, liệu doanh nghiệp xuất khẩu có tăng giá bán sản phẩm?
Doanh nghiệp khó tăng giá bán sản phẩm dù giá điện tăng 3%
Từ ngày 4/5, giá bán lẻ điện bình quân tăng khoảng 3% so với giai đoạn trước, lên 1.920,3 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Việc tăng giá điện này được đánh giá không tác động nhiều đến doanh nghiệp và kinh tế vĩ mô.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc nâng giá điện 3%, tương đương mới mức tăng 56 đồng/kWh. Khi đó, việc giá điện tăng sẽ tác động đến các ngành nghề khác khoảng 0,18%. Trong đó ngành sản xuất cần nhiều điện như thép thì làm tăng giá thành của ngành thép lên 0,18%; xi măng tăng lên 0,45%; ngành giấy khoảng 0,4%. Còn theo một số chuyên gia, giá điện tăng 3% cũng khiến chi phí sản xuất của ngành dệt may nhích lên 0,4%.
Thông thường khi chi phí sản xuất tăng, doanh nghiệp sẽ chuyển phần tăng vào giá bán, tuy nhiên trong bối cảnh thương mại hàng hóa giảm tốc, doanh nghiệp vắng đơn hàng thì việc nâng giá bán sản phẩm là điều khó có thể thực hiện.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết "Điện chiếm khoảng 20-30% chi phí sản xuất của doanh nghiệp xi măng, việc giá điện tăng 3% sẽ khiến giá thành nhích lên khoảng 0,6-0,9%. Trong bối cảnh ngành bất động sản, xây dựng ảm đạm, nhu cầu tiêu thụ xi măng yếu thì chuyện nâng giá bán lại càng khó khả thi với doanh nghiệp”.
Theo số liệu của VNCA, 4 tháng đầu năm, tiêu thụ xi măng và clinker đạt 29 triệu tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 18,6 triệu tấn, giảm 16%; xuất khẩu khoảng 10,4 triệu tấn, giảm 23%.
Chủ tịch hiệp hội xi măng nhận định hiện, giá bán xi măng đang ở mức thấp nhưng vẫn rất ít người mua, nếu nâng giá thì câu chuyện tiêu thụ của doanh nghiệp sẽ càng khó hơn, các công ty buộc phải gồng mình qua giai đoạn thấp điểm này.
Cũng như ngành xi măng, dệt may cũng là đối tượng chịu tác động bởi việc nâng giá điện. Song mức độ ảnh hưởng được cho rằng khá nhẹ nhàng và nằm trong tầm kiểm soát của các doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas), Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Việt Tiến cho biết việc nâng giá điện 3% cũng là thách thức với doanh nghiệp ngành dệt may, đặc biệt với mảng sợi vì hệ thống máy móc phải hoạt động 24/24, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không phải quá lớn so với các chi phí sản xuất khác.
“Giá bán sản phẩm nhích nhẹ khi giá điện tăng. Trong bối cảnh đơn hàng dệt may vẫn chưa phục hồi, bản thân các doanh nghiệp sẽ phải xây dựng các giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm để có thể cạnh tranh được với các đối thủ lớn như Ấn Độ, Bangladesh”, ông Vũ Đức Giang nói.
Doanh nghiệp tự sản xuất một phần điện
Một trong những giải pháp chủ động nguồn điện sản xuất được Chủ tịch Vitas nói đến là lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các xưởng, nhà máy của doanh nghiệp dệt may.
Không đợi đến khi giá điện tăng, các doanh nghiệp dệt may đã tận dụng giải pháp công nghệ này trong nhiều năm nay nhằm chủ động một phần nguồn điện sản xuất, giảm chi phí sản xuất, đồng thời hướng đến mục tiêu xanh hóa ngành dệt may.
Ông Vũ Đức Giang cho biết hiện các doanh nghiệp dệt may đang sử dụng điện mặt trời mái nhà theo ba giải pháp, bao gồm doanh nghiệp dệt may tự đầu tư lắp đặt; các công ty cung cấp giải pháp năng lượng sạch thuê mái của doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp dệt may sẽ được mua điện với giá thấp hơn thị trường 20-30%; công ty cung cấp giải pháp và doanh nghiệp dệt may cùng hợp tác, đầu tư và chia sẻ lợi ích.
Với vai trò là Chủ tịch May Việt Tiến, doanh nghiệp đã lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, ông Vũ Đức Giang khẳng định việc các doanh nghiệp dệt may tiếp cận với năng lượng tái tạo đang giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra chứng chỉ xanh cho hàng hóa, nâng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Thực tế ở doanh nghiệp dệt may của chúng tôi, việc sử dụng điện mặt trời áp mái cực kỳ hiệu quả, thời gian hoàn vốn 5,5 -6 năm, phần còn lại, 14-15 năm là lợi ích và hiệu quả, chúng ta chỉ cần bỏ một phần nhỏ cho chi phí bảo trì", ông Vũ Đức Giang nói.
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Giang cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng xanh chính là tài chính, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào việc phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này.
Ngành dệt may có hệ thống nhà máy, nhà xưởng lớn nên việc lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà sẽ thuận lợi hơn. Còn với một ngành sản xuất đặc thù như ngành xi măng, việc lắp hệ thống này là khó khả thi.
Ông Nguyễn Quang Cung cho biết sản xuất xi măng chắc chắn sẽ tạo ra bụi và lớp bụi này có thể ảnh hưởng khả năng hấp thụ nhiệt trên các tấm pin, giảm hiệu suất phát điện, chưa kể khi trời mưa, bụi xi măng gặp nước sẽ kết tủa, tạo thành các mảng bám trên tấm pin, dễ gây hỏng thiết bị.
Về vấn đề kỹ thuật, việc hệ thống điện mặt trời tại các nhà máy xi măng đã khó khả thi, chưa kể đến chi phí, quy định phòng cháy chữa cháy...
Theo Chủ tịch VNCA, trong quá trình sản xuất xi măng sẽ thải ra môi trường một lượng khí thải nhất định, nhưng sử dụng công nghệ phát điện, nhiệt dư đã được thu về để biến thành điện.
Và chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 quy định, đến hết năm 2025, tất cả dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã có khoảng 30 dây chuyền phát điện nhiệt dư, chủ yếu của các doanh nghiệp tư nhân, cung ứng được 25-30% nhu cầu tiêu thụ điện của các nhà máy, đồng thời giúp ngành xi măng tiến gần hơn với các tiêu chuẩn xanh của quốc tế.
Như vậy mỗi ngành sẽ có những cách thức riêng để chủ động một phần nguồn điện, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia vào mùa cao điểm. Đây cũng là những chiến lược lâu dài, hướng đến nền sản xuất xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.