|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp, khu công nghiệp muốn đầu tư thêm hệ thống điện mặt trời áp mái, quy định PCCC thế nào?

07:48 | 18/05/2023
Chia sẻ
Đối với các doanh nghiệp, khu công nghiệp đã đạt tiêu chuẩn PCCC, việc đầu tư thêm hệ thống điện mặt trời áp mái sẽ thuộc diện cải tạo bổ sung, quy định PCCC yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo chống cháy lan và lối thoát ra mái.

Doanh nghiệp lúng túng với quy định PCCC khi đầu tư điện mặt trời áp mái

Tại Diễn đàn “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn” chiều 17/5, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư khu công nghiệp đã thông tin về nhiều băn khoăn, vướng mắc liên quan đến quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong quá trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho biết May 10 đã có nhiều nhà máy đã xây dựng từ thời gian trước, hệ thống PCCC đã được thiết kế và nghiệm thu trước đó. Hằng năm, lực lượng PCCC địa phương kiểm tra đều đảm bảo các quy định.

Đại diện May 10 thắc mắc về việc nếu doanh nghiệp này đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời có thể sẽ phải lắp đặt lại toàn bộ hệ thống PCCC để được tổng duyệt nghiệm thu hệ thống lắp đặt điện mái nhà. Ông Hà Mạnh cho rằng điều này có thể phát sinh thêm nhiều chi phí và liệu quy định như vậy có phù hợp?

Còn về phía ông Nguyễn Hải Anh, Phó Tổng Giám đốc CTCP Shinec, Chủ đầu tư Khu Công nghiệp Sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) lại cho rằng thẩm duyệt thiết kế PCCC - Quy định PCCC cho điện mặt trời mái nhà mới nhất hạn chế về giới hạn chịu lửa R15, trong khi đa số các nhà xưởng thép tiền chế đều không đạt giới hạn chịu lửa này.

Thêm vào đó, quy định chất chống cháy lan đối với các lớp cách nhiệt trên mái rất khó đạt được do các tấm cách nhiệt theo tiêu chuẩn Nhật Bản cũng bị cháy lan. Đó là khó khăn về vật liệu, các quy định của PCCC đang thiếu tính thực tiễn.

Diễn đàn: "Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn". (Ảnh: Phạm Mơ) 

Phản hồi những vướng mắc của doanh nghiệp, ông Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Thẩm định PCCC, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết, quy định về đối tượng kiểm duyệt phòng cháy chữa cháy Chính phủ đã có Nghị định 136/2020 hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi. Trong đó, xác định đối tượng phải tổng duyệt trong trường hợp nào.

"Với trường hợp công ty là nhà xưởng, cơ sở sản xuất đã được tổng duyệt, nghiệm thu và đủ điều kiện đưa vào hoạt động, định kỳ cơ quan có kiểm tra và đảm bảo an toàn của cơ sở.

Vậy khi có thay đổi về giải pháp PCCC của cơ sở đó thì sẽ thuộc diện cải tạo. Nói cách khác, hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp mới bây giờ thuộc diện cải tạo bổ sung và các giải pháp ở đây là yêu cầu giải pháp đảm bảo chống cháy lan và lối thoát ra mái", ông Trần Hải Nam phân tích.

Ông Trần Hải Nam cho rằng các doanh nghiệp cần bám theo quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, bản thân mỗi quy chuẩn có tiêu chuẩn khác nhau.

Ví dụ như quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình thì liên quan đến phạm vi khi thẩm duyệt, các công trình cải tạo, bổ sung phải đáp ứng PCCC liên quan lối thoát ra mái và chống cháy lan.

Các công trình trước đó thì bám theo quy định về các công trình đã được nghiệm thu trước. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần xem xét lại theo văn bản hướng dẫn của Cục PCCC về đối tượng tổng duyệt khi lắp đặt bổ sung thêm hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Một số nhà đầu tư theo tâm lý đám đông, thiếu hiểu biết về PCCC

Sức hút của năng lượng xanh và các chính sách khuyến khích của Chính phủ đã giúp hệ thống điện mặt trời áp mái phát triển nhanh.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết Quyết định số 11 và 13 của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã phát triển được 113.000 hệ thống điện áp mái. Giai đoạn 2021-2022, hệ thống này đưa lên lưới điện 11,3 tỉ kWh. Năm 2022 hệ thống này chiếm khoảng 4,21% điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống. Công suất phát điện quy đổi tương ứng khoảng 7.700 MWh.

Ông Trần Thanh Bình nhận định đầu tư điện mặt trời mái nhà rất có lợi cho doanh nghiệp, người dân cũng như cả hệ thống điện nhờ nguồn phân tán sản xuất điện tại chỗ, không tốn nhiều chi phí truyền tải.

Lĩnh vực mới này có cơ chế khuyến khích bằng giá cố định, thu hút được nhiều nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư chuyên nghiệp, hiểu biết sâu về vấn đề, nhưng cũng có một số nhà đầu tư theo tâm lý đám đông, chưa chắc đã hiểu hết về quy định pháp luật liên quan.

“Nhiều nhà đầu tư chỉ nghĩ đơn giản là họ có sẵn mái nhà, họ mua pin lắp lên nhưng không nghĩ đến vấn đề PCCC, môi trường hay thủ tục, giấy phép hoạt động điện lực... Chính vì việc không nắm hết các quy định quản lý nên đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp, như vi phạm đất đai, PCCC, an toàn công trình xây dựng…”, ông Trần Thanh Bình nói.

Ngoài yếu tố chủ quan ở các nhà đầu tư, đại diện EVN cho rằng thực tế, một số cơ chế tiêu chuẩn liên quan đến điện mặt trời áp mái chúng ta chưa kịp xây dựng, ban hành cụ thể nên dẫn tới chồng chéo, khiến một số chủ đầu tư không hiểu hết và không tuân thủ.

Điển hình như hệ thống điện mặt trời áp mái không thuộc đối tượng thẩm định thiết kế phê duyệt như theo văn bản hướng dẫn 3288 và văn bản 2007 hướng dẫn về PCCC. Các quy chuẩn về xây dựng cũng chưa thực sự rõ ràng.

“Vấn đề là có một số quy định của chúng ta còn chưa cụ thể và đâu đó nhiều chủ đầu tư cũng chưa hiểu hết. Do đó, tôi đồng tình rằng phải rà soát lại các quy định đó để hướng dẫn cụ thể”, đại diện EVN nói.

Hoàng Anh

NHNN tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, lãi suất VND dưới 6 tháng tối đa 4,75%/năm
Ngày 1/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định quy định về lãi suất tiền gửi VND và USD. Các quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2024.