Giá dầu thô lao dốc cản trở giấc mơ nhiên liệu sạch của châu Á
Bloomberg nhận định giá dầu thô lao đầu giảm mạnh đã quét sạch cơ hội của nhiên liệu sinh học, đồng thời buộc chính phủ các nước châu Á phải nhanh chóng rót thêm ngân sách để trợ cấp cho loại nhiên liệu này.
Ông Alvin Tai, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, chia sẻ: "Đây là các sự kiện chưa từng có tiền lệ".
Nhiên liệu sinh học, chẳng hạn như hỗn hợp của dầu cọ và dầu diesel, cần phải có mức giá hấp dẫn hơn so với nhiên liệu hóa thạch để kích cầu, và điều đó thường đòi hỏi phải có trợ cấp từ chính phủ.
Giá dầu Brent giảm gần 25% hôm 9/3 do đó đã khiến vị thế cạnh tranh của dầu cọ so với dầu diesel tụt dốc đáng kể.
Thị trường đã bình tĩnh trở lại phần nào trong phiên giao dịch hôm nay (10/3), với giá dầu Brent phục hồi hơn 5% và giá dầu cọ cũng ổn định lại sau khi có lúc giảm hơn 10% hôm 9/3.
Dù vậy, giá dầu cọ vẫn đắt so với giá dầu diesel khoảng 200 USD - mức chênh lệch lớn nhất trong hơn ba năm qua. Thực tế này nhiều khả năng sẽ gây cản trở cho nỗ lực phổ biến nhiên liệu sinh học của Indonesia và Malaysia - hai nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới.
Theo nhà phân tích Oscar Tjakra của Rabobank (chi nhánh Singapore), mức chênh lệch giá trên "khiến nhiên liệu sinh học pha chế giữa dầu cọ và dầu diesel không khả thi về mặt kinh tế".
"Qui tắc quan trọng nhất là giá dầu cọ phải rẻ hơn giá dầu diesel 120 USD thì pha chế mới đạt hiệu quả về kinh tế", ông Tjakra cho hay.
Giá dầu thô thấp sẽ làm gia tăng "gánh nặng kinh tế lên các quốc gia trợ cấp cho ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học", nhà phân tích trên lí giải. "Về lâu dài, đầu tư vào công suất sản xuất nhiên liệu sinh học mới có thể bị hoãn lại do loại nhiên liệu này không còn có lợi về mặt kinh tế".
Indonesia - nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, từ lâu đã là trung tâm của nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học.
Để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu xanh, một cơ quan thuộc chính phủ Indonesia có tên Oil Palm Plantation Fund Management Agency đã trích một phần từ thuế xuất khẩu dầu cọ để lập quĩ ưu đãi cho ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học.
Quĩ này hiện nắm giữ khoảng 1 tỉ USD và có thể sẽ cần phải trợ cấp khoảng 200 USD/tấn để thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học tại Indonesia, ông Tai của Bloomberg Intelligence ước tính.
"Giá dầu thô càng giảm mạnh, quĩ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch của chính phủ Indonesia sẽ càng nhanh cạn tiền", ông Tai nói. "Indonesia có thể chỉ cầm cự được khoảng 6 tháng nữa, còn sau đó, họ sẽ phải thu thêm thuế để duy trì chương trình ưu đãi trên".
Hồi tháng 1 năm nay, chính phủ Indonesia đã phải khôi phục mức thuế 50 USD/tấn dầu cọ thô xuất khẩu, theo Bloomberg.
Hiện tại, nước này cho biết họ đang lên kế hoạch tăng thêm thuế vì mức chênh lệch giữa giá dầu cọ và dầu diesel ngày càng lớn. Động thái này có thể khiến nhà xuất khẩu tốn thêm chi phí và từ đó hạ giá thu mua dầu cọ của nông dân.
Hiệp hội nhiên liệu sinh học Indonesia cho hay họ tin quĩ của chính phủ có đủ tiền để hỗ trợ ngành, bất chấp giá dầu thô lao dốc. Ngoài ra, nhóm này cũng kì vọng chính phủ Indonesia sẽ can thiệp thêm thông qua các biện pháp chính sách.
Malaysia - nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, có kế hoạch thực hiện toàn diện chương trình nhiên liệu sinh học B20 trong ngành vận tải vào năm 2021. Khi đó, dầu cọ sẽ được pha với dầu diesel theo tỉ lệ 2:8.
"Dù giá dầu thô lao dốc, chương trình B20 sẽ được thực hiện như kế hoạch nhằm giảm lượng khí thải nhà kính", ông Ravi Muthayah - Tổng thư kí của Bộ Hàng hóa Malaysia, cho biết.