Cuộc chiến giá dầu thô: Ai được, ai mất?
Giá dầu thô giảm xuống dưới mức giá thành sản xuất của các công ty dầu khí Mỹ
Việc Nga và các nước OPEC không đạt được thỏa thuận nâng hạn mức giảm sản lượng vào tuần trước đã tạo ra cuộc chiến về giá dầu thô.
Arab Saudi bất ngờ hạ giá bán cho các khách hàng chính và tuyên bố nâng sản lượng khai thác lên trên 10 triệu thùng/ngày. Tại thị trường Mỹ, Arab Saudi cũng tuyên bố giảm 7 USD/thùng cho các hợp đồng giao trong tháng 4.
Điều này gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến Mỹ. Theo Investing.com, giá dầu thô Mỹ lao dốc mạnh nhất từ năm 1991 xuống còn 28 USD/thùng - mức giá dưới chi phí sản xuất của các công ty khai thác dầu thô Mỹ. Cổ phiếu và trái phiếu của các công ty khai thác dầu đá phiến cũng giảm vào thứ Hai.
Các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ liên tục tăng sản lượng trong nhiều năm góp khiến nguồn cung trên thế giới bị dư thừa. Tuy nhiên, họ cũng là nhân tố gián tiếp khiến OPEC và các nước đồng minh giảm sản lượng và nâng giá dầu lên.
Thế nhưng, Nga không còn muốn tiếp tục giảm sản lượng. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak phát biểu tại Vienna cho biết các công ty dầu khí nước này sẽ không bị hạn chế về mặt sản lượng nữa sau khi thỏa thuận OPEC+ kết thúc vào cuối tháng 3.
Ngay sau đó, Arab Saudi đáp trả, châm ngòi cuộc chiến về giá vào hôm 7/3 bằng việc bán dầu thô với giá thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây nhằm đẩy dầu ra thị trường càng nhiều càng tốt.
Động thái bất ngờ này khiến Mỹ không có nhiều thời gian để chuẩn bị để đối phó với cuộc chiến này. Với mức giá dầu thô chỉ 30 USD/thùng, các công ty dầu khí Mỹ sẽ không thể trả nợ và chia cổ tức cho các cổ đông nhỏ lẻ.
Các bên đều thiệt hại trong cuộc chiến
Theo CNN, rất khó để đoán định quốc gia nào sẽ thắng trong cuộc chiến giá dầu thô này. Các quốc gia khai thác dầu thô lớn sẽ thiệt hại về doanh thu nhưng đổi lại họ lấy được thị phần.
Mặc dù các công ty dầu mỏ Mỹ chịu thiệt hại nhưng Nga mới là mục tiêu chính của Arab Saudi trong đợt hạ giá bán vừa qua.
Theo Financial Times, quốc gia Trung Đông này tuyên bố giảm 8 USD/thùng cho các khách hàng khu vực phía Tây Đông Châu Âu - thị trường chính của Nga. Tại thị trường châu Á, nước này cũng giảm 4-6 USD/thùng.
Công suất khai thác dầu thô thực tế của Arab Saudi có thể đạt tới 12 triệu thùng/ngày.
Thế nhưng, giá dầu thô giảm còn tạo ra nhiều rủi ro cho Arab Saudi trong bối cảnh hoàng tử Mohammed đang lên kế hoạch hiện đại hóa nền kinh tế vốn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Cổ phiếu của công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco giảm 9% vào hôm 8/3 xuống dưới mức giá hồi công ty này mới chào sàn hồi tháng 12 năm ngoái.
Tuần trước, Arab Saudi kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước thành viên OPEC và các nước đồng minh trong đó có Nga trong việc giảm sản lượng và ổn định thị trường trước tác động của dịch virus corona.
Theo CNN, Các quốc gia Vùng Vịnh sản xuất dầu thô với chi phí thấp nhất thế giới. Theo đó, chi phí sản xuất tại Arab Saudi, Kuwait, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dao động trong khoảng 2 - 6 USD/thùng.
Tuy nhiên, do mức chi tiêu của chính phủ cao kèm theo các chương trình hỗ trợ người dân lớn nên họ sẽ cần giá dầu thô ở mức ít nhất 70 USD/thùng để cân bằng ngân sách.
Thế nhưng Nga muốn nắm cơ hội đánh bại ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ bằng việc tăng sản lượng và họ quyết định gỡ bỏ mọi hạn chế về định mức khai thác trong thỏa thuận OPEC+ bắt đầu từ tháng 4.
“OPEC và các nước khác trong đó có Nga không thể đạt được thỏa thuận. Nếu các nước thúc đẩy sản lượng, thì Arab Saudi cũng sẽ làm điều đó”.
Nga đã xây dựng quĩ dự phòng dầu khí trị giá 170 tỉ USD trong nhiều năm nay và họ tin tưởng rằng với quĩ này họ có thể tự tin tham gia cuộc chiến về giá trong ngắn hạn.
Thế nhưng Nga lại chịu áp lực từ lệnh trừng phạt của Mỹ, buộc họ phải hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Mikhail Leontiev, người phụ trách truyền thông của Rosneft - công ty dầu mỏ lớn nhất nước Nga, cho biết mối quan hệ với Arab Saudi giờ đây là “vô nghĩa”.
“Kết quả thực sự từ việc liên tục gia hạn thỏa thuận OPEC+ là lượng dầu thô được cắt giảm được bù đắp bởi dầu đá phiến của Mỹ”, ông Mikhail Leontiev nói.
Trước đó, năm 2014 cũng đã từng xảy ra cuộc chiến về giá khiến nhiều công ty năng lượng từ khu vực Biển Bắc đến Bắc Dakota chịu thiệt hại.
Cuộc chiến dầu thô gây thiệt hại cho tất cả các bên nhất là các nước có nền kinh tế yếu hơn như Nigeria và Angola bởi các quốc gia này không có nhiều khả năng tăng sản lượng cũng như tiếp cận về vốn vay.
Giới chuyên gia cảnh báo mọi cuộc chiến này sẽ khiến giá dầu thô giảm xuống còn 30 USD/thùng thậm chí thấp hơn - điều đã từng xảy ra vào năm 2014.