|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu thô có thể quay trở lại mốc 100 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023?

11:39 | 09/02/2023
Chia sẻ
Ông Afshin Javan, đại diện của Iran tại OPEC, nhận định giá dầu thô toàn cầu có thể quay trở lại mốc 100 USD/thùng trong nửa cuối năm nay do nhu cầu của Trung Quốc phục hồi trở lại trong khi nguồn cung hạn chế, theo Reuters.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đang phục hồi trở lại.

“Tôi cho rằng OPEC đang đi đúng hướng”, ông Javan đề cập đến quyết định của OPEC hồi tháng 12/2022 về việc giảm sản lượng. 

OPEC cùng các nước đồng minh ngoài tổ chức (OPEC+) đã đồng ý giảm mục tiêu sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày (tương đương 2% nhu cầu của thế giới) từ tháng 11/2022 đến cuối năm 2023 để hỗ trợ thị trường”.

Ông Javan cho biết: “Tại sao OPEC làm vậy? Đó là vì họ không lạc quan lắm về nhu cầu".

Ông nói thêm rằng Trung Quốc sẽ cần nhiều dầu hơn sau khi mở cửa trở lại và nguồn cung bị thắt chặt trở lại. 

Iran là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mặc dù hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Đầu tuần này, Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cũng bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng của nhóm, đồng thời nói thêm rằng động thái này giúp ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trong một lần trao đổi với báo chí mới đây, chuyên gia phân tích đến từ ngân hàng Goldman Sachs cũng đưa ra dự báo giá dầu có thể phục hồi về mốc 100 USD/thùng trong năm nay, theo Bloomberg.

Theo đó, thị trường dầu mỏ có thể đối mặt với vấn đề nghiêm trọng trong năm 2024 khi công suất khai thác đã đạt ngưỡng tối đa. 

Với những lệnh trừng phạt mà các nước áp đặt lên dầu mỏ xuất khẩu của Nga trong khi nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau khi kết thúc chính sách Zero Covid, giá dầu thô sẽ tăng lên 100 USD/thùng từ mức hiện tại là khoảng 80 USD/thùng. 

Chuyên gia phân tích Jeff Currie đến từ ngân hàng  Goldman Sachs cho biết việc thiếu đầu tư vào ngành khai thác dầu mỏ cung là nguyên nhân khiến giá cao hơn và đây sẽ trở thành vấn đề lớn trong năm 2024. 

“Siêu chu kỳ hàng hóa là một chuỗi các đợt tăng giá với đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước”, ông Currie nói. 

Vị này cho biết thêm đến tháng 5, thị trường dầu mỏ sẽ chuyển sang tình trạng thiếu cung so với cầu. Điều dẫn đến các công ty phải huy động hầu hết công suất khai thác chưa sử dụng mà họ có.

Giá dầu thô biến động mạnh trong vài năm trở lại đây, khi có lúc giảm xuống dưới 20 USD/thùng do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng sau đó tăng vọt lên gần 130 do căng thẳng Nga - Ukraine làm gián đoạn nguồn cung vốn đã thiếu hụt nhu cầu toàn cầu. 

Chi phí nhiên liệu vận chuyển thậm chí còn tăng cao hơn khi các nhà máy hoạt động hết công suất, trước khi giảm trở lại khi các quốc gia tìm ra giải pháp khắc phục tình hình.

Bộ trưởng năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman hôm thứ Bảy tuần trước 4/2 cũng chỉ trích việc thiếu đầu tư vào mở rộng công suất lọc dầu đã khiến thế giới thiếu nguồn cung. Ông nhắc lại rằng OPEC+ sẽ vẫn thận trọng trong việc quyết định thời điểm tăng sản lượng.

Arab Saudi cùng với Nga là hai quốc gia đứng đầu trong liên minh OPEC+. Hoàng tử Abdulaziz cho biết những nỗ lực của OPEC+ trong việc hạn chế nguồn cung đã cứu thị trường dầu mỏ trong thời kỳ nhu cầu lao dốc giai đoạn xảy ra đại dịch.

Chuyên gia Currie nhắc lại quan điểm của Goldman rằng OPEC+ sẽ dỡ bỏ những hạn chế về sản lượng và tìm cách tăng công suất vào cuối năm nay. Hồi đầu tháng 2, một ủy ban giám sát thị trường của OPEC+ đã khuyến nghị nhóm này giữ nguyên sản lượng dầu. 

Ông Currie cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, nguồn cung có vẻ dư thừa vì Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, công suất có thể trở thành một vấn đề lớn vào cuối năm nay khi cầu vượt cung. Liệu chúng ta sắp hết sử dụng hết năng lực sản xuất dự phòng? Có khả năng đến năm 2024, ngành dầu mỏ bắt đầu gặp vấn đề nghiêm trọng.”

H.Mĩ