|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu thô bật tăng khi IEA phát đi cảnh báo đen tối liên quan Nga

17:04 | 17/03/2022
Chia sẻ
Hôm 7/3, giá dầu thô thế giới đồng loạt bật tăng hơn 3% khi IEA đưa ra cảnh báo kém lạc quan về nguồn cung dầu mỏ của Nga. Đáng chú ý, giá dầu Brent đã quay trở lại mốc 100 USD/thùng.
Giá dầu thô bật tăng khi IEA phát đi cảnh báo đen tối liên quan Nga - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Trong phiên 17/3, giá dầu thế giới đã bật tăng hơn 3% sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng trong tháng 4, thị trường có thể mất 3 triệu thùng dầu thô và sản phẩm tinh chế từ Nga mỗi ngày.

Cụ thể, ghi nhận tại thời điểm 16h28 (giờ Việt Nam) trên oilprice.com, giá dầu Brent chuẩn quốc tế tăng hơn 3,8% lên 101,9 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI nhích hơn 3,7% lên 98,8 USD/thùng.

Sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga lớn hơn nhiều so với mức giảm nhu cầu, IEA nhấn mạnh trong báo cáo mới công bố. Cơ quan này dự đoán, trong tháng 4, do giá nhiên liệu đắt đỏ mà nhu cầu dầu thô sẽ tụt khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Chia sẻ với Reuters, ông Wang Xiao, trưởng nhóm nghiên cứu của công ty giao dịch hợp đồng tương lai Guotai Junan Futures, nhận định: "Tâm lý kích thích của nhà đầu tư trước biến động địa chính trị ở Ukraine đã giảm bớt.

Điều này giúp giảm phần nào các mức phụ phí đối với sản phẩm dầu mỏ. Giờ là lúc nhà đầu tư nên đánh giá lại các yếu tố [cung - cầu] khác trên thị trường".

 

Cả hai hợp đồng dầu thô đều giảm điểm trong phiên trước đó, khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh và đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine ghi nhận một số tín hiệu tích cực.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần tính tới ngày 11/3, tồn kho dầu thô của nước này đã tăng 4,3 triệu thùng lên khoảng 415,9 triệu thùng. Trước đó, giới phân tích lại dự đoán tồn kho dầu của Mỹ sẽ mất 1,4 triệu thùng trong tuần qua.

Ở cuộc trao đổi khác, ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của hãng tư vấn OANDA, cho hay: "Đồn đoán xoay quanh số phận nguồn cung dầu thô của Nga và khả năng nhu cầu sụp đổ sẽ khiến thị trường trở nên hỗn loạn trong thời gian tới".

Cho đến nay, chỉ chính phủ Mỹ và Anh đã ban hành lệnh trừng phạt lên dầu thô của Nga, chủ yếu là do các nước này không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của xứ sở Bạch Dương.

Số liệu của EIA cho thấy, năm ngoái, Mỹ chỉ nhập khẩu khoảng 672.000 thùng dầu/ngày từ Nga. Con số này tương đương khoảng 8% tổng lượng nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hầu hết dầu thô và xăng dầu nhập khẩu của Mỹ đến từ Canada, Mexico và Arab Saudi. Do đó, Mỹ nhìn chung ít phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga so với nhiều đối tác châu Âu.

Ngược lại, Liên minh châu Âu (EU) - khu vực vốn nhập khẩu phần lớn khí đốt và dầu thô từ Nga, vẫn đang hết sức chần chừ. Trong đợt cấm vận mới nhất mà EU công bố, các sản phẩm dầu khí của Nga vẫn nằm ngoài vòng cấm.

Theo Reuters, các lệnh cấm vận mới do EU áp vào Nga bao trùm nhiều lĩnh vực từ năng lượng, hàng xa xỉ cho tới thép. Ngoài ra, EU còn đóng băng tài sản của nhiều doanh nhân có quan hệ mật thiết với chính phủ Nga, bao gồm tỷ phú Roman Abramovich.

Đòn trừng phạt lần này cấm hoạt động đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Các doanh nghiệp Nga bị ảnh hưởng bao gồm những đại gia dầu khí như Rosneft, Transneft và Gazprom Neft. Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters cho biết các nước thành viên EU vẫn có thể mua dầu mỏ và khí đốt từ các tập đoàn Nga.

Khả Nhân