Giá dầu thế giới giảm trước số liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc
Giá dầu thế giới giảm 1 USD/thùng trong phiên ngày 1/5 sau số liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc và dự đoán sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa đã "lấn át" sự hỗ trợ của việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng trong tháng này.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,02 USD (1,3%) xuống 78,45 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,12 USD (1,5%) xuống 75,66 USD/thùng.
Số liệu chính thức đưa ra ngày 30/4 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã bất ngờ giảm trong tháng 4/2023, và là lần đầu tiên Chỉ số nhà quản lý mua hàng trong lĩnh vực sản xuất ghi nhận mức giảm kể từ tháng 12/2022.
Peter McNally, nhà phân tích của Third Bridge cho biết thị trường đang phụ thuộc nhiều vào những gì xảy ra với Trung Quốc và số liệu về lĩnh vực sản xuất đang gây thất vọng.
Ông cho biết, Trung Quốc dự kiến sẽ là yếu tố lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), họp vào ngày 2-3/5, dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.
Đồng USD tăng so với rổ tiền tệ, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng cũng đã gây sức ép lên giá dầu trong những tuần gần đây và các nhà quản lý Mỹ đã tịch thu tài sản của First Republic Bank cuối tuần qua trước khi JPMorgan Chase & Co tiến hành mua hầu hết tài sản của ngân hàng này.
Bên cạnh đó, kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 1,16 triệu thùng/ngày của OPEC+ sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2023.
Giá dầu đã nhận được một số hỗ trợ từ số liệu cho thấy hoạt động sản xuất tháng 4/2023 của Mỹ đã thoát khỏi mức thấp nhất trong ba năm, khi lượng đơn đặt hàng mới cải thiện nhẹ và việc làm phục hồi.
Edward Moya, nhà phân tích của OANDA, cho biết giá dầu thô đang hạn chế mức giảm nhờ lạc quan rằng nền kinh tế có thể mạnh lên khi cuộc khủng hoảng ngân hàng kết thúc và các dấu hiệu cho thấy hoạt động của nhà máy đang được cải thiện.