|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu thế giới mất gần 5% trong tuần qua

21:56 | 23/04/2022
Chia sẻ
Thị trường dầu mỏ biến động bất nhất trong tuần giao dịch vừa qua do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm và nguồn cung bị thắt chặt do xung đột tiếp diễn giữa Nga và Ukraine. Mặc dù việc Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga, động thái có thể khiến nguồn cung trở nên eo hẹp hơn, song giá dầu vẫn mất gần 5% trong tuần qua.

Một kho chứa dầu tại Salt Lake City, Utah, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Thị trường năng lượng khởi đầu tuần mới với diễn biến khá tích cực, khi giá dầu tăng hơn 1% vào phiên 18/4 do tình trạng ngưng sản xuất ở Libya càng làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung toàn cầu vốn đã bị thắt chặt vì cuộc khủng hoảng Ukraine.

Giới quan sát cho rằng dầu sẽ còn chứng kiến những đợt biến động giá mạnh vì sản lượng toàn cầu trong thời gian tới. Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty môi giới OANDA (Mỹ), cho biết, với nguồn cung toàn cầu quá eo hẹp như hiện nay, một sự gián đoạn nhỏ nhất cũng có thể tác động lớn đến giá cả.

Giá dầu quay đầu giảm khoảng 5% ngay trong phiên giao dịch liền sau đó, do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo lạm phát cao.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng gần 1 điểm phần trăm do căng thẳng Nga-Ukraine, và cho biết lạm phát hiện là “mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng” với nhiều nước. Triển vọng u ám này đã làm gia tăng sức ép lên giá dầu, vốn đang chịu tác động từ đồng USD ở mức cao nhất trong hai năm. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm cho hàng hóa được định giá bằng USD đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này có thể làm giảm nhu cầu.

Đà giảm này diễn ra ngay cả khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, hạ sản lượng trong bối cảnh sản lượng của Nga bắt đầu giảm do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. OPEC+ đã sản xuất dưới mức mục tiêu 1,45 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 3/2022, còn Nga sản xuất ít hơn 300.000 thùng/ngày so với mục tiêu, ở mức 10,018 triệu thùng/ngày.

Giá dầu tiếp tục trồi sụt trái chiều trong phiên 20/4 trước khi tăng trở lại vào phiên 21/4, do quan ngại về gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.

Thị trường bán ra không nhiều dầu mỏ sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng EU cần phải thận trọng về lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng của Nga vì động thái đó có thể khiến giá dầu tăng đột biến.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/4, giá dầu thế giới lại đảo chiều giảm do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu, lãi suất tăng cao và các biện pháp phong tỏa nhiêm ngặt tại Trung Quốc liên quan tới dịch COVID-19 đang làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 1,68 USD (tương đương 1,6%) xuống 106,65 USD/thùng. Giá dầu WTI mất 1,72 USD (tương đương 1,7%), xuống còn 102,07 USD/thùng.

Tháng trước, giá dầu Brent kỳ hạn đã chạm mức 139 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, cả hai hợp đồng dầu đều mất gần 5% trong tuần này, do lo ngại về nhu cầu suy yếu.

IMF có thể tiếp tục hạ dự báo kinh tế toàn cầu nếu các nước châu Âu mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga và giá năng lượng tăng cao hơn.

Trong khi đó, nguồn tin từ Chính phủ Đức cho hay, nước này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 3,6% xuống 2,2%.

Tại Trung Quốc, nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu hàng không trong tháng 4 dự kiến sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, khi các thành phố lớn của nước này, bao gồm Thượng Hải, đang bị phong tỏa vì đại dịch.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết việc nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm “sẽ được thảo luận” tại cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed vào tháng Năm tới, thúc đẩy đồng USD tiến lên mức cao nhất trong hai năm. Đồng USD mạnh hơn làm dầu và các hàng hóa khác trở nên đắt đỏ hơn đối với nguời nắm giữ những đồng tiền khác.

Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan dầu tại Mỹ trong tuần này đã tăng thêm một giàn, lên 549 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Trong khi đó, một nguồn tin từ châu Âu cho hay, Ủy ban châu Âu (EC) đang đẩy nhanh mức độ sẵn có của các nguồn cung năng lượng thay thế. Hà Lan cho biết có kế hoạch ngừng sử dụng nhiên liệu từ Nga vào cuối năm nay.

Morgan Stanley đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý III thêm 10 USD, lên 130 USD/thùng, với lý do “thâm hụt nguồn cung lớn hơn dự kiến” trong năm nay do sự sụt giảm nguồn cung từ Nga và Iran.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Trang

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.