|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu khả năng tiếp tục giảm, phải đến quý IV/2024 mới quay đầu

20:05 | 08/09/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, giá dầu thế giới phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung từ OPEC, Nga, Iran…, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, biến động địa chính trị và giá của các đồng tiền mạnh trên thế giới. Tuy nhiên, từ diễn biến cả các yếu tố này cho thấy khả năng giá dầu sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm.

Giá dầu dự báo tiếp tục giảm đến cuối năm

Tại tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” diễn ra sáng 8/9, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ ra những nguyên nhân khiến giá dầu thế giới có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.

Cụ thể, tính tới ngày 6/9, giá dầu đã giảm hơn 30% so với đỉnh gần nhất. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch quanh mức 93 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI chỉ dưới 87 USD/thùng. Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang ở mức cao so với những năm trước.

Theo ông Khôi, giá dầu thế giới phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung từ OPEC, Nga, Iran…, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, biến động địa chính trị và giá của các đồng tiền mạnh trên thế giới.

Trong đó, nguồn cung dầu đang được cải thiện. Mỹ hiện đang gây áp lực đối với hai nhà sản xuất hàng đầu của OPEC là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tăng sản lượng để giúp kìm hãm đà tăng của giá dầu. Công suất lọc dầu cũng đang tăng lên ở Trung Đông, châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi.

Các nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới đã đồng ý tăng sản lượng khai thác để giúp kìm đà tăng cao của giá dầu.

Cụ thể, các thành viên của OPEC+ (OPEC và các đồng minh, bao gồm cả Nga) đã tăng sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8/2022, đồng thời thỏa thuận tăng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9. Tuy nhiên, mới đây tổ chức này đã quyết định cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày. 

Trong khi đó, triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm khiến nhu cầu dầu giảm và kéo giá dầu thế giới đi xuống.

Theo đại diện Bộ kế hoạch và đầu tư, các số liệu tăng trưởng kinh tế thế giới quý II cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Mỹ và Nhật Bản suy giảm, Trung Quốc tăng trưởng chậm, thắt chặt biện pháp phòng dịch…

Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương các nước lớn như Mỹ, EU… tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới và có thể khiến giá dầu thế giới giảm. Nền kinh tế của các nước lớn có xu hướng suy giảm, nhu cầu về dầu sẽ giảm.

Đồng thời, có khả năng Mỹ và Iran khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2015, gia tăng nguồn cung đáng kể, có thể tăng thêm 1 triệu thùng dầu/ngày…

Với những yếu tố này, ông Lương Văn Khôi cho rằng giá dầu vẫn có khả năng giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm. 

 Tại tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” diễn ra sáng 8/9 . (Ảnh: Báo Đầu tư)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc, Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam, cho biết theo nhiều nguồn đánh giá đáng tin cậy từ các bên thứ ba, từ giờ tới cuối năm giá dầu sẽ vẫn suy yếu, nhưng không thể giảm quá nhiều.

Bởi khi giá thế giới giảm đến vùng 60 - 70 USD/thùng, các nước xuất khẩu dầu mỏ như nhóm OPEC+, đặc biệt là Nga sẽ có những động thái cứng rắn để hỗ trợ giá.  

Trong bối cảnh hiện nay, nguồn thu từ Nga chủ yếu đến từ dầu thô nên giá dầu thấp sẽ tạo ra những căng thẳng địa chính trị và qua đó gián tiếp hỗ trợ giá không giảm sâu hơn. 

"Theo đó, giá dầu có thể sẽ ở vùng giá 60 - 90 USD/thùng trong quý IV năm nay", ông Dũng dự báo.

Một điểm đáng chú ý khác là tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước. Ngày 18/7, tỷ giá tăng khá mạnh, sau đó có xu hướng giảm và đi ngang. Tuy nhiên, tỷ giá lại được điều chỉnh tăng mạnh ngay sáng nay 8/9.

Điều này sẽ khiến các ngân hàng và nhà xuất nhập khẩu cần công cụ phòng hộ liên quan tới tỷ giá. Nhà xuất nhập khẩu dầu mỏ sẽ quan tâm tới phòng hộ tại cả thị trường quốc tế và trong nước. 

Bao giờ đà tăng quay trở lại?

Theo Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, khả năng giá dầu tăng trở lại trong quý IV/2024 khá cao.

Nguyên nhân là nhu cầu có thể tăng vào mùa đông khi nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm tăng cao, đặc biệt là tại châu Âu. Cùng với việc Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và có thể sẽ mở cửa trở lại các thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại, từ đó làm tăng nhu cầu.

Thứ ba, nguồn cung đang tăng chậm lại. Bất chấp sức ép từ Mỹ, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã giảm tốc độ tăng sản lượng khai thác dầu, rồi lại cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày vào tháng 9. Arab Saudi mới đây cho biết, OPEC sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu bất cứ lúc nào.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu vẫn đang vật lộn giải quyết vấn đề gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Điều này cho thấy OPEC+ đang quyết tâm bảo vệ mức giá khoảng 100 USD/thùng.

Bên cạnh đó, số liệu của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, nguồn cung có khả năng thu hẹp. Căng thẳng Nga - Ukraine, cùng các biện pháp trừng phạt/cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến giá dầu (và cả khí đốt) tăng mạnh. Châu Âu là đối tác năng lượng chính của Nga.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU và Anh đã cấm các tàu thuộc sở hữu của Nga hoặc mang cờ Nga ghé cảng của các nước này. Điều này khiến tàu Nga gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vận chuyển dầu trên biển. Lý do là các chuyến tàu phải trải qua một hành trình dài hơn, khiến chi phí vận chuyển và nguy cơ tràn dầu tăng cao.

Nga đóng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn và tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các nước EU áp đặt giá trần. Các nước châu Âu phải chạy đua nhập khí từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Ả Rập để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.

Như vậy có thể nhận thấy, từ nay đến cuối năm, có cả những yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm, song cũng có những yếu tố khiến giá dầu thế giới tăng.

"Đánh giá một cách tổng thể có thể thấy giá dầu thế giới có thể duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng nhẹ vào cuối năm. Đối với năm 2023, giá dầu dự báo sẽ giảm so với 2022, nhưng vẫn ở mức cao do nhu cầu của các nước hồi phục sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch", ông Khôi nhận định.

Như Huỳnh