|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lần đầu tiên giá dầu vượt xăng, diễn biến này có thể kéo dài đến cuối năm?

18:20 | 06/09/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu cho biết việc giá dầu diesel vượt giá xăng là hiện tượng dị biệt và có thể kéo dài đến cuối năm. Tuy nhiên, giá xăng sẽ trở lại cao hơn giá dầu khi các quyết định giảm thuế hết hiệu lực.

Ở kỳ điều chỉnh ngày 5/9, giá xăng RON 95 giảm 439 đồng xuống còn 24.230 đồng/lít trong khi giá dầu diesel lại tăng bật 1.400 đồng lên 25.188 đồng/lít.

Như vậy, chênh lệch giữa giá xăng RON 95 và giá dầu diesel đang ở mức 958 đồng/lít. Trường hợp, Bộ Công Thương không trích lập 493 đồng/lít đối với xăng, chi quỹ BOG 300 đồng/lít với dầu thì chênh lệch giữa hai mặt hàng này có thể lên tới gần 2.000 đồng/lít. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận giá dầu diesel cao hơn giá xăng.

(Số liệu: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Trao đổi với người viết, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho biết có hai nguyên nhân tạo nên hiện tượng dị biệt này của ngành xăng dầu, bao gồm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu khiến giá dầu thế giới cao và việc giảm hàng loạt thuế đối với xăng.

Cụ thể, ông Bảo phân tích xung đột Nga – Ukraine khiến nguồn cung khí đốt, dầu từ Nga cho châu Âu bị gián đoạn, các nước EU đang ráo riết mua dầu diesel như một nguyên liệu thay thế cho khí đốt cho mùa đông sắp tới.

Đầu tháng 6, giá xăng RON 95 ở thị trường Singapore đang dao động ở mức gần 148 USD/thùng, dầu diesel khoảng 158 USD/thùng. Giá dầu cao hơn giá xăng khoảng 10 USD/thùng.

Tuy nhiên đến ngày 2/9, giá xăng RON 95 ở thị trường Singapore đang dao động ở mức gần 103 USD/thùng, dầu diesel khoảng 135 USD/thùng. Giá dầu cao hơn xăng hơn 30 USD/thùng.

(Số liệu: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Phạm Mơ) 

Thị trường dầu diesel toàn cầu được dự báo sẽ thắt chặt hơn nữa do các nhà máy sản xuất điện và các ngành công nghiệp ở nhiều nước đặc biệt là ở châu Âu đang tăng cường sử dụng nhiên liệu này để tiết kiệm chi phí trong bối cảnh giá khí đốt quá đắt đỏ, theo Bloomberg.

Các khách hàng công nghiệp ưu tiên sử dụng các sự lựa chọn thay thế cho khí đốt, vốn đang tăng lên các mức cao chưa từng thấy kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine xảy ra.

Trong khi đó, các kho dự trữ dầu diesel toàn cầu vẫn ở mức thấp bất thường vào thời điểm hàng tồn kho thường đang tăng để chuẩn bị cho nhu cầu tiêu thụ trong mùa đông.

Theo công ty nghiên cứu thị trường FGE, châu Âu đang thiếu hụt dầu diesel khoảng 1,5 triệu thùng/ngày và mức thiếu hụt có thể tăng lên nữa khi nhiều khách hàng công nghiệp thay thế khí đốt tự nhiên bằng các sản phẩm dầu.  

FGE ước tính lợi nhuận ở châu Âu từ việc sản xuất các sản phẩm chưng cất từ dầu, bao gồm dầu diesel sẽ tăng lên mức kỷ lục 70 USD/thùng trong mùa đông.

Dữ liệu của sàn giao dịch ICE Futures Europe cũng cho thấy lợi nhuận hiện tại của các sản phẩm này khoảng 55 USD/thùng.

Theo dự báo IEA, mức tăng nhu cầu hàng năm đối với các loại dầu nhiên liệu không sử dụng cho xe cộ ở các thành viên châu Âu của Tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD) khoảng 220.000 thùng/ngày trong quý IV/2022 và quý I/2023.

“Sự nóng lên của thị trường dầu mỏ tạo ra khoảng cách giữa giá xăng và dầu, ảnh hưởng đến giá xăng dầu nội địa của Việt Nam.

Giá dầu, giá khí diễn biến thế nào là do thị trường quyết định. Tuy nhiên, tôi cho rằng xu hướng giá dầu cao hơn giá xăng ở Việt Nam có thể tiếp diễn đến cuối năm”, ông Bảo nói.

 Giá dầu đã hạ nhiệt sau khi lập đỉnh vào ngày 21/6. (Ảnh: Phạm Mơ)

Ngoài nguyên nhân khách quan thị trường thế giới, một yếu tố chủ quan khiến giá bán lẻ dầu diesel của Việt Nam cao hơn giá xăng do Chính phủ vừa giảm một loạt các loại thuế với xăng như thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu…

Thực tế, thuế đối với mặt hàng xăng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cao hơn dầu. Tuy nhiên sau khi giá xăng lập đỉnh lên 32.873 đồng/lít, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn 1.000 đồng/lít từ 4.000 đồng/lít.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%. Nhờ các động thái về thuế, giá xăng trong nước đã giảm từ mức cao kỷ lục xuống còn 24.230 đồng/lít vào ngày 5/9.

Trong khi đó, mặt hàng dầu không chịu nhiều loại thuế như xăng, thuế nhập khẩu về Việt Nam bằng 0.

“Khi các quyết định giảm thuế cho xăng hết hiệu lực, giá xăng sẽ quay trở lại cao hơn giá dầu”, ông Bảo bình luận.

Đại diện Vinpa cho biết tỷ trọng tiêu thụ xăng, dầu ở Việt Nam lần lượt ở mức 40% và 60%. Mặt hàng xăng được sử dụng nhiều cho phương tiện cá nhân, còn dầu lại phổ biến hơn trong nền kinh tế. Việc giá dầu cao hơn giá xăng sẽ ảnh hưởng sản xuất, tăng giá hàng hóa, gây áp lực lạm phát.

Ông Bảo nhận định hiện giá dầu đã hạ nhiệt so với giai đoạn cao điểm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần điều hành linh hoạt để giá dầu ở mức thấp nhất, không tác động đến nền kinh tế.

Trong trường hợp này, quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đóng vai trò như một van điều tiết, giúp các mặt hàng không tăng sốc.

Ở kỳ điều hành ngày 5/9, Liên Bộ đã thực hiện trích lập đối với xăng và chi quỹ với dầu diesel, phần nào hạ nhiệt giá dầu. Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng giá dầu sẽ vẫn chịu sự chi phối của thị trường thế, quỹ BOG không phải là cây đũa thần, chỉ sử dụng khi có biến động lớn.

 

Phạm Mơ