|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều ý kiến trái chiều quanh chuyện chiết khấu cho cửa hàng xăng dầu bằng 0

08:14 | 31/08/2022
Chia sẻ
Trong khi các cửa hàng xăng dầu liên tục phản ánh rằng doanh nghiệp đầu mối hạ mức chiết khấu xuống 0 đồng khiến doanh nghiệp càng bán, càng lỗ. Bộ Công Thương lại cho rằng thông tin này không chính xác, bóp méo thị trường.

Chiết khấu xăng dầu 0 đồng, doanh nghiệp lỗ kép

Trong những ngày gần đây, mức chiết khấu 0 đồng cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu là từ khóa được tìm kiếm và bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn.

Cụ thể, nhiều cửa hàng, đại lý cho biết gần đây các doanh nghiệp đã hạ mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu xuống 0 đồng khiến doanh nghiệp càng bán càng lỗ.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc CTCP Xăng dầu Tự Lực (Hà Nội) xác nhận: “Tình hình nhập xăng dầu đang khó khăn, lượng hàng về nhỏ giọt. Thêm vào đó, doanh nghiệp đầu mối đã hạ mức chiết khấu bằng 0, cửa hàng sắp đứt đến nơi”.

Ông Nguyễn Văn Tiu tính toán từ đầu năm đến nay, bình quân mức chiết khấu của các doanh nghiệp đầu mối được khoảng 600 – 700 đồng/lít trong khi giá vốn lên tới 9.000 – 1.000 đồng/lít, bao gồm chi phí vận tải khoảng 250-300 đồng/lít, chi phí vận hành tiết kiệm 650-700 đồng/lít tùy theo vị trí cửa hàng.

“Việc hạ chiết khấu xuống 0 đồng khiến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang chịu lỗ kép, lỗ chiết khấu và lỗ chi phí vận hành, quản lý doanh nghiệp. Tương đương, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang lỗ 800-9.000 đồng/lít xăng dầu.

Nếu cửa hàng nào bán khoảng 20.000 lít xăng dầu/ngày, tức đang lỗ khoảng 18 – 20 triệu đồng/ngày”, ông Tiu nói.

(Số liệu: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Lãnh đạo xăng dầu Tự Lực cho rằng về lý thuyết, kinh doanh xăng dầu có lời, có lỗ là chuyện bình thường. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh hậu COVID-19, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi đã vấp phải cơn biến động thị trường thì nhiều cửa hàng đã phải gồng lỗ từ đầu năm đến nay.

“Doanh nghiệp kinh doanh đã phải bỏ bao nhiêu tài sản, vốn liếng, chúng tôi không thể làm không công”, ông Tiu nói.

Còn về việc xăng dầu về chậm, nhỏ giọt, ông Tiu cho biết các doanh nghiệp đầu mối giải thích rằng nguồn hàng khó khăn, giá thế giới lên, hàng nhập về chậm.

Vị này cho biết các cửa hàng đang cố gắng cầm cự, thúc giục dầu mối để có nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng. Trường hợp có kiểm tra, cửa hàng bán lẻ đã báo nhập nhưng đầu mối không cung cấp thì trách nhiệm thuộc về nhà cung cấp.

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang đi lên, lãnh đạo xăng dầu Tự Lực kỳ vọng lúc này là cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1/9, thay vì ngày 5/9 như quy định. Đồng thời, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tăng mức chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ để có thể bù lỗ trong giai đoạn này.

24 doanh nghiệp xin hưởng chiết khấu 800 đồng/lít xăng dầu

Thực tế, câu chuyện của doanh nghiệp xăng dầu Tự Lực chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh chung của ngành xăng dầu hiện nay.

Tối 29/8, 24 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, UBND TP HCM và Sở Công Thương nói rõ về tình hình hoạt động và kiến nghị các giải pháp liên quan đến thị trường xăng dầu, theo báo Sài Gòn Giải Phóng.

Theo các doanh nghiệp, mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng, thậm chí với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu là 200 đồng thì các đại lý vẫn không đủ để duy trì hoạt động kinh doanh; chưa kể hiện nay nguồn cung cũng rất hạn chế.

Trong khi đó, chi phí mặt bằng, chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước... đã khiến cho việc kinh doanh của các đại lý bán lẻ xăng dầu bị lỗ nặng.

“Càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa bán xăng dầu, bởi nếu đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép”, văn bản nêu.

 Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu kiến nghị được hưởng mức chiết khấu 600-800 đồng/lít xăng dầu. (Ảnh: Hoàng Anh)

Trước những khó khăn trên, các đại lý kinh doanh xăng dầu kiến nghị cơ quan nhà nước rút giấy phép vĩnh viễn các công ty đầu mối xăng dầu không tuân thủ theo quy định về an ninh năng lượng.

Đồng thời điều chỉnh cơ chế giá thành bán lẻ để doanh nghiệp đầu mối chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600-800 đồng/lít cho các cửa hàng bán lẻ để đủ sức duy trì hoạt động; rút ngắn thời gian điều hành giá trong vòng 24 giờ kể cả ngày nghỉ, lễ để tránh tình trạng găm hàng tạo ra khan hiếm.

Ngoài ra, 24 doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cũng cho cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng nhiều doanh nghiệp đầu mối để vừa tăng sức cạnh tranh vừa đáp ứng được nguồn hàng. Vì hiện nay mỗi doanh nghiệp bán lẻ chỉ được phép ký hợp đồng với một doanh nghiệp đầu mối khi có sự cố thì doanh nghiệp bán lẻ không được lấy hàng từ đầu mối khác. 

Mặt khác, Nhà nước nên hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia, phân bổ cho các kho đầu mối lưu giữ (không được thâm hụt khi chưa được phép của Chính phủ).

Điều này có thể tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng dầu thế giới xuống không nhập hàng làm cho chuỗi cung ứng ra thị trường xảy ra tình trạng khan hiến cục bộ như hiện nay.

Trao đổi với VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết hiện nay, giá xăng dầu tại thị trường Singapore cao hơn giá bán lẻ trong nước, khi nhập xăng dầu mới về, các doanh nghiệp đầu mối sẽ lỗ từ vài trăm đến 2.000 đồng/lít.

“Về mặt nguyên tắc, kinh doanh có thị trường, khi lãi cao, khi lãi thấp, thậm chí có khi lỗ. Bản thân doanh nghiệp đầu mối nhập về cũng đang lỗ thì chiết khấu cho đại lý 0 đồng là bình thường. Giá thế giới có thời điểm mua xuất kho còn âm. Những khi đại lý có lãi thì chả thấy kêu gì.

Khi thị trường gặp khó, bán giá vốn, lỗ chi phí thì kêu cứu. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận, doanh nghiệp đầu mối đang lỗ rất sâu, khó có thể gánh cả lỗ cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ”, vị này cho biết.

Về câu chuyện đa dạng hóa nguồn hàng, người này cho hay, theo quy định hiện nay, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được nhập từ một nguồn hàng duy nhất.

Nguyên nhân chính là do xăng dầu có đặc tính là chất lỏng, dễ trộn lẫn nên không xác định được nguồn cung cấp tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu (kho, bể, cửa hàng...).

Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng xăng dầu từ đầu nguồn tới người tiêu dùng, giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, xác định được trách nhiệm của thương nhân đầu mối… nên cần quy định đại lý và cửa hàng bán lẻ theo nguyên tắc chỉ lấy xăng dầu từ một nguồn cung cấp.

Bộ trưởng Công Thương: Thông tin trên không chính xác, bóp méo thị trường

Phản hồi trước thông tin chiết khấu hệ thống đến các cơ sở bán lẻ có chiết khấu bằng 0, cơ sở kinh doanh càng bán càng lỗ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Đây là những thông tin không chính xác, không bình thường, rất có thể có một sự kích động, lôi kéo, bóp méo thông tin, gây rối tình hình, méo mó thị trường, náo loạn xã hội”.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho rằng, việc thanh tra xăng dầu là vô cùng cần thiết, qua thanh tra những đơn vị sai phạm nhất định phải xử lý theo quy định. Không thể viện lý do bị tạm rút giấy phép, chiết khấu thấp mà để đứt nguồn cung trong khi giá xăng dầu giảm và ổn định.

Hiện tại, nguồn cung trong nước là vô cùng dồi dào, đơn cử sản lượng của hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đã đáp ứng tới 80% nguồn xăng dầu của cả nước nên lượng xăng dầu nhập khẩu 20% tương ứng với 400.000 m3 là con số bình thường.

Những doanh nghiệp bị rút giấy phép trong thời gian vừa qua cũng không có những hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu nên không thể ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.

“Từ đầu năm tới nay, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu. Và Bộ Công Thương sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong dịp lễ 2/9, Bộ Công Thương sẽ thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…

Đoàn sẽ tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95.

Đoàn sẽ thực hiện đợt kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, nhưng sẽ hoạt động liên tục đến hết năm 2022 và cho đến khi ổn định tình hình cung ứng, phân phối xăng dầu trên thị trường.

Hoàng Anh

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.