|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu âm kéo giá đường lao dốc, ngành đường Việt Nam chịu thiệt đơn thiệt kép

06:30 | 28/04/2020
Chia sẻ
Việc giá dầu thô lao dốc chưa từng có khiến Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, trước đây sử dụng một phần mía để sản xuất ethanol nay chuyển hết sang sản xuất đường. Điều này kéo theo nguồn đường vốn đang dư thừa nay càng lớn hơn và giá đường giảm mạnh.

Giá đường thế giới giảm mạnh theo giá dầu thô

Giá đường trong tháng 4 giảm mạnh so với hồi đầu năm do chịu tác động của giá dầu thô giảm. Theo số liệu của Trading Economics, tính đến ngày 27/4, giá đường lao dốc tới 31,3% so với hồi đầu năm xuống chỉ dưới 10 UScent/pound. 

Giá dầu thô âm kéo giá đường giảm mạnh, ngành đường Việt Nam chịu thiệt đơn thiệt kép - Ảnh 1.

Diễn biến giá đường từ đầu tháng 12/2019 đến 27/4/2020. Nguồn: Trading Economics

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư kí Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết giá dầu thô thường chi phối rất lớn đối với giá đường. 

“Việc giá dầu thô lao dốc chưa từng có khiến Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, trước đây sử dụng một phần mía để sản xuất ethanol nay chuyển hết sang sản xuất đường. Họ dùng dầu thô để điều chế xăng thay vì ethanol do chi phí rẻ. Điều này kéo theo nguồn đường vốn đang dư thừa nay càng lớn hơn”, ông Lộc cho biết.

Hôm 20/4, giá dầu WTI trải qua phiên giao dịch chưa từng có trong lịch sử khi lao dốc xuống -37 USD/thùng.

Theo Reuters, hai tập đoàn kinh doanh dầu khí lớn nhất Brazil hồi đầu tháng 4 đã giảm lượng thu mua ethanol từ các nhà sản xuất trong nước. 

Theo đó, tập đoàn BR Distribuidora cho biết họ giảm lượng thu mua ethanol xuống dưới mức tối thiểu đã kí kết trong hợp đồng. Tập đoàn Raizen Combustiveis SA cũng tuyên bố không thể mua ethanol với khối lượng như đã được kí kết trước đó và sẽ điều chỉnh lượng mua trong các tháng tiếp theo.

Ethanol chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu của Brazil trong năm 2019.

Trước đó, hồi đầu năm, giá đường từng có thời điểm đạt mức 15,24 UScent/pound, cao hơn 20% so với thời điểm đầu năm 2019, nhờ sản lượng đường của Thái Lan và Ấn Độ được dự báo giảm do chịu tác động của thời tiết khắc nhiệt.

Theo tờ Bangkok Post, Thái Lan đang phải trải qua thời kì hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 4 năm qua và sản lượng mía giảm đáng kể. Nước này hiện là quốc gia sản xuất đường lớn thứ 4 và xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil. 

Ước tính sản lượng mía trong niên vụ 2019 - 2020 của Thái Lan chỉ ở mức 80 triệu tấn, giảm tới gần 40% so với niên vụ 2018 - 2019. Dự kiến năm nay sản lượng đường tại đây chỉ khoảng 9 triệu tấn trong đó tiêu thụ trong nước là 3 triệu tấn và xuất khẩu 6 triệu tấn. 

Trong khi đó, ở niên vụ trước Thái Lan đã sản xuất gần 14,6 triệu tấn đường, tiêu thụ trong nước 2,6 triệu tấn còn lại dùng cho xuất khẩu.

Tại Ấn Độ, theo tờ Business Today, sản lượng đường nước này tính đến ngày 15/4 giảm tới 20% so với cùng kì năm ngoái xuống 24,7 triệu tấn. Trước đó, tháng 11/2019, sản lượng đường giảm mạnh 64% do chịu tác động bởi các trận mưa lớn và ngập lụt, làm hư hại tới các cánh đồng trồng mía. 

Ông Lộc nhận định, mặc dù giá đường có tăng hồi đầu năng nhưng việc giá dầu giảm đã xóa đi mọi thành quả tăng giá trước đó. “Giá đường chỉ tăng được một thời gian sau đó lại quay về mức đáy 10 năm nay”, ông Lộc cho biết.

Ngành đường Việt Nam chịu thiệt đơn thiệt kép

Áp lực về giá cũng nhiều nhà máy đường Việt Nam phải đóng cửa. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện tại chỉ còn 28 nhà máy hoạt động so với con số 41 nhà máy năm 2017.

Thời gian kì sản xuất đến 31/3 đã đi dần vào cuối vụ, đến cuối tháng chỉ còn 8 nhà máy hoạt động ép mía (không kể nhà máy luyện từ đường thô) tiếp tục sản xuất trong 28 nhà máy đường hoạt động trong vụ 2019 - 202020. Một số các nhà máy khác đã kết thúc vụ trong tháng vì hết nguyên liệu.

Không chỉ chịu tác động bởi giá đường thế thế giới lao dốc, ngành đường Việt Nam còn bị ảnh hưởng lớn bởi đường lậu và dịch COVID-19 khiến việc tiêu thụ trở nên khó khăn.

Ông Lộc cho hay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Việt Nam thực hiện việc giãn cách xã hội, đóng cửa trường học, nhà hàng, quán cà phê, nhà máy, lễ hội bị hủy khiến lượng đường tiêu thụ giảm. 

Ngoài ra, đường sản xuất từ mía trong nước không cạnh tranh được về giá so với đường nhập khẩu (theo ATIGA) và đường lậu Thái Lan, giá đường nhập chính ngạch và đường lậu trên thị trường thấp hơn đường sản xuất trong nước và giảm so với tháng trước, hiện ở mức khoảng 12.200 đồng/kg tại TP HCM, từ 12.000 - 12.100 đồng/kg tại Hà Nội và miền Trung. 

Trong tháng lượng đường lậu giảm vì biên giới kiểm soát chặt vì dịch COVID-19, thống trị trên thị trường là đường nhập khẩu chính ngạch. Đường nhập khẩu đã dìm giá đường sản xuất từ mía trong nước xuống dưới giá thành sản xuất nên hầu như không thể bán được. 

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, so với giá đường trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam vẫn nằm ở mức thấp nhất. 

Giá dầu thô âm kéo giá đường giảm mạnh, ngành đường Việt Nam chịu thiệt đơn thiệt kép - Ảnh 2.

Nguồn: Hiệp hội Mía đường Việt Nam

Mặc dù khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tăng giá thu mua mía lên 800.000 - 850.000 đồng/tấn, có nơi thậm chí lên 950.000 đồng/tấn nhằm khuyến khích bà con giữ mía cho vụ tới.

Tuy nhiên, điều này kéo theo chi phí sản xuất tăng cao. Ước tính giá thành trung bình sản xuất 1 kg đường trắng của ngành đường Việt Nam trong vụ 2019 - 2020 sẽ tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg so với ước tính đầu vụ. 

 

Đức Quỳnh