Giá cao su hôm nay 22/10: Sàn Thượng Hải tăng ngày thứ hai liên tiếp
Cập nhật giá cao su thế giới
Xem thêm: Giá cao su hôm nay 21/10
Giá cao su tương lai trên các sàn giao dịch tăng nhẹ do triển vọng nhu cầu ổn định và lo ngại nguồn cung giảm bớt khi EU đang tiến gần hơn đến việc tạm hoãn quy định chống phá rừng, trong khi đồng yen yếu hơn cũng hỗ trợ giá.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/10, giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2025 trên Sàn Giao dịch Osaka (OSE) đạt 391,9 yen/kg, tăng nhẹ 0,1% so với mức 391,4 yen/kg của ngày hôm trước.
Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc, hợp đồng cao su thiên nhiên giao tháng 1/2025 tiếp tục tăng 90 nhân dân tệ/tấn, tương đương 0,5%, lên mức 18.260 nhân dân tệ/tấn.
Tuy nhiên, giá cao su RSS 3 kỳ hạn tháng 11 tại Bangkok Thái Lan lại giảm nhẹ 1%, xuống còn 89,95 Baht/kg.
Theo trang tài chính Trung Quốc Guohai Liangshi Futures, trong khi hoạt động khai thác mủ cao su bị gián đoạn do bão Yagi đã được nối lại, hoạt động của nhà máy sản xuất lốp xe cũng đang ổn định và cải thiện, với công suất tăng đáng kể sau kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng.
Với giá nguyên liệu thô ở nước ngoài giảm và tác động tiêu cực của việc trì hoãn quy định chống phá rừng của EU, lo ngại về nguồn cung đã lắng xuống. Giá cao su hiện đang dao động trong biên độ hẹp khi thị trường chờ đợi những yếu tố thúc đẩy mới.
Trong khi đó, đồng yen Nhật dao động gần mức thấp nhất trong hai tháng rưỡi khiến tài sản định giá bằng yen trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài.
Giá dầu giảm, thu hẹp mức tăng gần 2% của ngày trước đó, khi nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Trung Đông, và nhu cầu chậm lại ở quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu là Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên thị trường.
Cao su tự nhiên thường chịu sự biến động của giá dầu vì phải cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp, vốn được sản xuất từ dầu thô, theo Reuters.
Cập nhật giá cao su trong nước
Trong ngày hôm nay, giá cao su tại các công ty không có biến động mới so với ngày hôm qua.
Báo giá thu mua cao su của Công ty Cao su Phú Riềng đối với mủ tạp đứng ở mức 455 đồng/DRC; mủ nước đạt 495 đồng/TSC.
Công ty Cao su Bà Rịa đang thu mua mủ nước với giá từ 440 – 450 đồng/TSC. Trong khi mủ đông DRC (35 - 44%) đạt 15.700 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động 19.500 – 21.000 đồng/kg.
Trong khi đó, Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua mủ nước ở mức 443 – 447 đồng/TSC; mủ đông đạt 406 – 461 đồng/DRC.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,32 triệu tấn, trị giá gần 2,1 tỷ USD, giảm 6,2% về lượng nhưng tăng khá mạnh 11,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023 nhờ giá tăng cao.
Theo đó, giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt 1.592 USD/tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ giá cao su tăng cao, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng khá ấn tượng.
Đơn cử như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) ghi nhận doanh thu và thu nhập khác hợp nhất đạt 16.207 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, tương đương thực hiện được 65% kế hoạch năm. Lãi sau thuế 2.386 tỷ đồng, thực hiện được 69% mục tiêu năm.
Tính riêng quý III, lợi nhuận sau thuế GVR ước đạt 801 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.
Tương tự, doanh thu CTCP Cao su Tây Ninh (Taniruco – Mã: TRC) trong quý III đạt 221 tỷ đồng , tăng 28% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Tanirucoc còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 30 tỷ đồng nhờ bán thanh lý cây cao su trong quý III. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế hơn 73 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ.
Trong quý III, công ty mẹ CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) ghi nhận 318 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế gần 33 tỷ đồng, gấp 47 lần so với quý III/2023.
Giá cao su tăng cao cũng hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành như: CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR), CTCP Cao su Thống Nhất (Mã: TNC), CTCP Cao su Bà Rịa (Mã: BRR)…