|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 22/1: Robusta tăng mạnh phiên thứ ba liên tiếp, arabica quay đầu giảm

05:48 | 22/01/2025
Chia sẻ
Giá cà phê hôm nay (22/1) biến động trái chiều trên hai sàn giao dịch. Trong đó, robusta tăng ngày thứ ba liên tiếp lên 5.263 USD/tấn – mức cao nhất trong 6 tuần, trong khi arabica lại giảm nhẹ 0,55 US cent/pound.

Cập nhật giá cà phê thế giới

Giá cà phê hôm 22/1 diễn biến trái chiều trên hai sàn giao dịch, với giá cà phê robusta đạt mức cao nhất trong 6 tuần và arabica giảm từ mức cao nhất trong 1 tháng.

Trên Sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 3/2025 tiếp tục tăng mạnh 2,33% (tương ứng 120 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, lên mức 5.263 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 5/2025 cũng tăng 2,5% (127 USD/tấn), chốt ở mốc 5.217 USD/tấn.

Tổng cộng trong ba phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2025 đã tăng 7,65%, tương ứng 374 USD/tấn.

 Giá cà phê robusta trên sàn London trong phiên giao dịch ngày 22/1. (Nguồn: giacaphe.com) 

Ngược lại, trên Sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao tháng 3/2025 đóng cửa ở mức 327,8 US cent/pound, giảm nhẹ 0,17% (0,55 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước. Hợp đồng giao kỳ hạn tháng 5/2025 đứng ở mức 323,95 US cent/pound, giảm 0,2% (0,65 US cent/pound).

Giá cà phê robusta trên sàn London trong phiên giao dịch ngày 22/1. (Nguồn: giacaphe.com) 

Giá cà phê robusta tiếp tục tăng phiên thứ ba liên tiếp do lo ngại nguồn cung gián đoạn khi Việt Nam, quốc gia sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới, sắp bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày.

Theo Công ty I & M Smith, hiện chỉ còn sáu ngày giao dịch cà phê tại Việt Nam trước đêm giao thừa Tết Nguyên đán vào ngày 29/1/2025. Thị trường nội địa Việt Nam dự kiến sẽ trầm lắng khi các hoạt động chuẩn bị cho lễ Tết bước vào giai đoạn cao điểm, trước tuần lễ mừng Tết chào đón năm mới Ất Tỵ.

Kỳ nghỉ dự kiến kéo dài đến ngày 2 tháng 2, và có thể dự đoán một khoảng thời gian yên ắng cuối tháng 1. Điều này bao gồm sự chậm lại ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong thời gian nghỉ lễ, bao gồm cả hoạt động vận chuyển từ nội địa đến cảng và xuất khẩu tại các cảng.

Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đang có dấu hiệu giảm bớt, với các cuộc thảo luận về khả năng các tuyến vận chuyển qua Biển Đỏ sẽ được mở lại.

Mặc dù chưa được xác nhận, tuyến đường qua Kênh đào Suez, vốn là con đường chính kết nối Trung Đông và Đông Á với các thị trường tiêu dùng lớn ở châu Âu, có thể sớm hoạt động trở lại.

Tuyến đường này đã không thể sử dụng kể từ khi căng thẳng leo thang trong khu vực gần hai năm trước, khiến các tuyến vận chuyển quốc tế lớn gặp rủi ro cao do nguy cơ bị tấn công tàu.

Viễn cảnh tuyến đường này có thể sớm được khôi phục sẽ mang lại một số cải thiện đáng kể, giúp cải thiện tốc độ luân chuyển hàng tồn kho trong các quốc gia và mang lại lợi ích cho cả nhà xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Điều này sẽ tốt hơn so với các tuyến vận chuyển thay thế qua phía nam Sừng châu Phi, vòng qua Mũi Hảo Vọng, vốn làm tăng thời gian vận chuyển hàng hóa trung bình thêm khoảng 8 tuần.

Hoàng Hiệp