'Giá cà phê đạt kỷ lục 64.000 đồng/kg là điều không doanh nghiệp xuất khẩu nào có thể tưởng tượng nổi'
Nguồn cung đang cạn
Sáng ngày 23/5, giá cà phê robusta trung bình ở các tỉnh giao dịch ở mức cao chưa từng có trong lịch sử 61.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến chiều, một số địa phương báo giá đã tăng tới 64.000 đồng/kg. Như vậy, so đầu năm, giá cà phê hiện tại đã tăng khoảng 40%.
“Chưa bao giờ thị trường cà phê biến động mạnh đến vậy, ngay cả cả giai đoạn tháng 8 năm ngoái, giá cà phê lần đầu thiết lập mức 52.000 đồng/kg nhưng sụp đổ rất nhanh sau đó. 64.000 đồng/kg là mức giá mà không một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nào có thể tưởng tượng nổi”, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam, trao đổi với người viết. Ông Hiệp hiện đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA).
Theo ông nhu cầu hạt cà phê robusta đang tăng cao bởi người tiêu dùng trên thế giới đang phải “thắt lưng buộc” do ảnh hưởng bởi lạm phát và suy thoái kinh tế. Trong khi đó, việc uống cà phê mỗi ngày là thói quen khó bỏ nhưng hạt arabica lại quá đắt đỏ với họ. Do đó, họ tìm đến hạt robusta với giá rẻ hơn để phối trộn với hạt arabica nhằm giảm chi phí.
Tuy nhiên,theo số liệu của VICOFA, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 ước tính giảm 10 -15% so với niên vụ trước đó xuống còn khoảng 1,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, bơ và chanh leo.
Đầu tháng 10 năm ngoái đã có hàng vụ mới nhưng việc thu hái, phơi sấy diễn ra chậm do thời tiết mưa nhiều, liên tục trong giai đoạn này. Chất lượng hạt cà cũng có thể bị ảnh hưởng (nhiều cà nâu). Tỉ lệ hàng trên sàn (sàn 16,18) ước lượng chiếm 60% trở lên
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023), Việt Nam đã xuất khẩu 1,12 triệu tấn.
“Lượng tiêu thụ trong nước khoảng 250.000 tấn. Do đó, lượng tồn kho của người dân hiện còn khoảng 100.000 tấn. Cộng thêm 100.000 tấn tồn kho của niên vụ 2021 - 2022 gối sang thì lượng hàng còn lại chỉ còn khoảng 200.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cà phê robusta Việt Nam trên thế giới trung bình mỗi tháng là 100.000 tấn, và chúng ta còn tới 5 tháng nữa mới sang niên vụ mới. Do đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ còn kéo dài trong thời gian tới”, ông Hiệp nói.
Số liệu của Tổng Cục Hải quan cũng cho thấy lượng xuất khẩu cà phê tháng 4 giảm 22% so với tháng 3 xuống 163.000 tấn.
Theo ông Hiệp, đây là dấu hiệu của cạn cung: “Năm ngoái, phải đến tháng 8 tình trạng thiếu hàng mới xảy ra nhưng năm nay, ngay từ tháng 3 đã hết hàng. Thời điểm giá về đỉnh cũ là 52.000 đồng/kg hồi đầu năm, người dân đã đồng loạt bán ra rất nhiều”.
Ông Dương Khánh Toàn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế, Xuất Nhập khẩu của CTCP Cà phê Mê Trang cho biết một trong những yếu tố đẩy giá cà phê thời gian qua là do chi phí đầu vào như phân bón, nhân công lao đồng, xăng dầu, điện tăng.
Ngoài ra, yếu tố đầu cơ cũng góp phần khiến nguồn cung khan hiếm. Khi nhận thấy tình hình thời tiết tiêu cực, các nhà mua lớn sẽ gom hàng, đẩy giá mua lên, cung sẵn có của nông dân giảm.
"Những nhà rang xay nhỏ và vừa như chúng tôi lượng dự trữ chỉ khoảng 100 tấn/tháng, không thể nào bằng các nhà mua lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI với sức mua lên tới hàng chục nghìn tấn dự trữ. Họ gom hàng sau đó đẩy giá lên cao. Hiện tại hàng đang tập trung ở các doanh nghiệp FDI và những đại lý trung gian, số ít nằm trong dân.
Những hộ dân còn cà phê có tâm lý chờ giá lên hơn nữa mới bán trong khi nhu cầu gom hàng vẫn cao. Điều này càng đẩy giá tăng thêm”, ông Toàn cho biết.
Quỹ lớn đang tập trung gom cà phê robusta
Với thị trường cà phê phái sinh, giá cà phê robusta cũng đang ở đỉnh 12 năm ở mức 2.572 USD/tấn, tăng 40% so với hồi đầu năm. Trước đó, hôm 22/5, giá cà phê đạt 2.777 USD/tấn, mức cao nhất từ năm 2008 đến nay, tuy nhiên sau đó điều chỉnh xuống do áp lực chốt lời.
“Nhiều người giao dịch nhận thấy rằng mức giá cà phê hiện tại là phi lý và họ đã bán khống. Nhưng các quỹ trên thế giới, với tiềm lực về tài chính sẵn sàng gom hàng ngay từ những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay bởi họ biết rằng nguồn cung đang thiếu trầm trọng. Các quỹ đầu tư sẵn sàng vắt kiệt những nhà giao dịch khác. Chỉ chờ những người bán khống đóng vị thế là các quỹ sẽ “xả” hàng vì còn tới 5 tháng nữa mới hết vụ trong khi nguồn cung toàn cầu không còn”, ông Hiệp cho biết.
Trái ngược với robusta, thị trường arabica có vẻ trầm lắng hơn. Mặc dù giá vẫn tăng nhưng mức độ tăng không quá “gắt” như hạt robusta. Tính đến ngày 24/5, giá cà phê arabica giao dịch ở mức 189 USCent/pound tăng 14% so với đầu năm.
Trong báo cáo cáo công bố mới đây, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho rằng nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.
Giá cà phê nội địa sẽ thiết lập mặt bằng mới
Ông Hiệp nhận định rằng sau giai đoạn biến động mạnh này, giá cà phê có thể thiết lập mặt bằng mới khoảng trên 50.000 đồng/kg sau thời gian dài duy trì quanh mức 30.000 - 40.000 đồng/kg do dư cung.
Bởi, bối cảnh hiện tại cán cân cung - cầu đã chuyển dần về thâm hụt do người dân chuyển sang trồng cây ăn trái khiến diện tích cà phê bị thu hẹp. Trong khi đó, chi phí đầu vào như phân bón, điện nhân công đều gia tăng. Hiện, chi phí cho 1 ha cà phê với sản lượng 3 tấn khoảng 100 triệu đồng.
"Nếu giá cứ giữ quanh mức 40.000 đồng/kg, doanh thu của người dân là 120 triệu/ha, lãi 20 triệu. Số tiền này chia cho 12 tháng thì cũng không bõ bèn gì. Tối thiểu giá 50.000 đồng/kg thì người dân lãi được 50 triệu đồng, khi đó họ sẽ trở về với cây cà phê. Thực ra 50.000 đồng/kg không phải là giá quá cao khi tính đầy đủ trong chuỗi sản xuất, bởi hiện người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra 50.000 - 100.000 đồng cho 1 cốc cà phê", ông Hiệp nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/