|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gemadept lãi ròng 254 tỷ quý III

08:30 | 31/10/2023
Chia sẻ
Sau ba quý, Gemadept đã vượt 154% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Đóng góp phần lớn vào lợi nhuận 9 tháng là khoản tiền từ thương vụ bán Cảng Nam Hải Đình Vũ, được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý II.

BCTC hợp nhất quý III/2023 của CTCP Gemadept (Mã: GMD) ghi nhận doanh thu thuần 998 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 47%, cải thiện so với con số 41% của quý III/2022.

Trong kỳ, các chi phí như tài chính và bán hàng đều được tiết giảm, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng. Khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết giảm 52% xuống 52 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 254 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

9 tháng đầu năm, doanh thu Gemadept đạt 2.812 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.890 tỷ đồng, lãi ròng đạt 2.107 tỷ đồng, tăng lần lượt 173% và 161% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Xét trong cơ cấu doanh thu, hoạt động khai thác cảng mang về 2.118 tỷ đồng, chiếm 75%. Doanh thu từ hoạt động logistics, cho thuê văn phòng khoảng 694 tỷ đồng.

Nguồn: Thuyết minh BCTC.

Theo Gemadep, kết quả kinh doanh tích cực đến từ hoạt động khai thác cảng, logistics trong 9 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận khoản tiền từ việc bán Cảng Nam Hải Đình Vũ.

Cuối tháng 5, Gemadept cho biết đã thoái toàn bộ 84,66% vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ cho nhóm nhà đầu tư bao gồm CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC). Khoản tiền lãi này đã được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý II của công ty.

Năm nay, Gemadept đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.920 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.136 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty thực hiện được 72% doanh thu và vượt 154% chỉ tiêu lợi nhuận sau ba quý.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, tổng tài sản của Gemadept đạt 13.245 tỷ đồng, tăng 214 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền, tiền gửi ngân hàng khoảng 1.536 tỷ đồng.

Cuối quý III, công ty đã trích lập dự phòng chứng khoán 32 tỷ đồng, trong khi giá gốc gần 46 tỷ đồng. Cụ thể, Gemadept đầu tư 31 tỷ đồng mua cổ phiếu TDS của CTCP Thép Thủ Đức, trích lập dự phòng 18 tỷ đồng; 14 tỷ đồng mua cổ phiếu MMC của CTCP Khoáng sản Mangan, trích lập dự phòng 14 tỷ đồng.

 Nguồn: Thuyết minh BCTC.

Sau tài sản cố định, chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong cơ cấu tài sản (23%) của Gemadept là khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết với 3.017 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý III, Gemadept rót vốn vào 16 công ty liên doanh liên kết, tập trung chủ yếu vào CTCP Cảng Cái Mép  - Terminal Link (chủ đầu tư của Cảng Gemalink - cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải) với 1.477 tỷ đồng.

Cảng được đưa vào vận hành từ đầu năm 2021 và đến quý II/2021 thì bắt đầu có lãi. Tính đến cuối tháng 9, cảng đem về 29 tỷ đồng cho Gemadept.

Trong nhóm công ty liên doanh, liên kết, Công ty TNHH CJ Gemadept Logistics Holdings và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) là hai đơn vị đem về cho Gemamadept lợi nhuận nhiều nhất với số tiền lần lượt là 234 tỷ đồng và 227 tỷ đồng tại ngày 30/9.

 Nguồn: Thuyết minh BCTC.

Cuối kỳ, tổng nợ vay của công ty là 1.883 tỷ đồng, chiếm 14% tổng nguồn vốn. 9 tháng đầu năm, tổng chi phí lãi vay của Gemadept hơn 97 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Gemadept là 9.553 tỷ đồng với 2.787 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/9.

Lâm Anh