|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GDP Việt Nam sẽ giảm 6.000 tỉ đồng trong 5 năm tới do tác động của chiến tranh thương mại

12:25 | 06/06/2019
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong ngắn hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu, nhưng dài hạn cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung một số mặt hàng xuất khẩu. Theo tính toán, GDP Việt Nam sẽ giảm 6.000 tỉ đồng trong 5 năm tới do tác động từ cuộc chiến này.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/6, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương gửi câu hỏi tới Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về vấn đề giải ngân vốn ODA chậm và giải pháp của Chính phủ là gì.

Trả lời vấn đề này, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thừa nhận tình hình giải ngân dự án dùng vốn ODA chậm, như năm 2018 mới đạt 63,2%; 5 tháng đầu năm 2019 có tăng, song vẫn chậm.

GDP Việt Nam sẽ giảm 6.000 tỉ đồng trong 5 năm tới do tác động của chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh: Quochoi.vn.

Nêu các lý do việc giải ngân vốn ODA chậm, Phó Thủ tướng cho biết do nhiều vấn đề.

Thứ nhất, các Bộ, ngành, địa phương không đảm bảo bố trí vốn đối ứng trong các dự án dùng vốn ODA.

"Khi ký các hiệp định vay vốn ODA, nhà cấp vốn yêu cầu Việt Nam phải có vốn đối ứng giải quyết các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng và các Bộ, ngành, địa phương khi đó đều cam kết sẽ có nguồn vốn này. Song thực tế khi triển khai dự án lại chưa bố trí, hoặc bố trí không phù hợp...", ông Minh nói.

Thứ hai, tại một số dự án, nhất là trong lĩnh vực giao thông việc lập kế hoạch chưa sát thực tế. Nguyên nhân khác là năng lực ban quản lý dự án, chủ đầu tư thấp, chưa đáp ứng trong triển khai thực tế; giải phóng mặt bằng khó khăn, kéo dài; biến động tỷ giá... cũng ảnh hưởng tới giải ngân vốn vay ODA.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa đó là tại một số dự án, năng lực của chủ đầu tư không cao. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn ODA như biến động tỷ giá…

Trả lời chất vấn của ông Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương về vấn đề hành động của Việt Nam như thế nào trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang vào hồi quyết liệt, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam, mà là mối quan tâm của cả thế giới.

Phó Thủ tướng dẫn nhận định của Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) rằng: "cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một trong 4 đám mây bao phủ kinh tế thế giới; đã có dự báo nếu chiến tranh thương mại kéo dài sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,2%"

"Về lâu dài, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tới Việt Nam. Chính phủ đã lên kịch bản ngay từ khi cuộc chiến này bắt đầu nổ ra trong năm 2018 với các giải pháp như ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư...", ông Minh nói.

Theo Phó Thủ tướng, trong ngắn hạn, cuộc chiến thương mại này sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu, nhưng dài hạn cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung một số mặt hàng xuất khẩu.

"Theo tính toán, GDP Việt Nam sẽ giảm 6.000 tỉ đồng trong 5 năm tới do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay.

Khánh Hà