|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gạo Việt tiến vào EU, cần xây dựng vị thế riêng để thực tiễn hóa cơ hội

08:12 | 05/11/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp nên nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất gạo khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đồng thời phát triển thêm các sản phẩm chế biến sẵn từ gạo phù hợp với khẩu vị, nhu cầu thị trường EU.

Ngày 4/11, Hội thảo quốc tế về các qui định đối với xuất khẩu gạo vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) do Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức đã diễn ra tại TP HCM nhằm hướng dẫn các qui định đối với chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU và tận dụng ưu đãi thuế quan trong hạn ngạch do EU cấp phép hàng năm.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, Hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ 6,4 - 7 triệu tấn gạo với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Trong đó, các giống thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan chiếm khoảng 43-46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm với khoảng trên 3 triệu tấn.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo sang EU đạt trên 10 triệu USD tăng 23,49% so với cùng kì năm 2019. Tuy nhiên xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myanmar, 1/4 Campuchia. 

Ông Hòa cho rằng gạo vẫn là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch. Và đây là thị trường còn nhiều dư địa, dự báo xuất khẩu gạo trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19. 

gạo - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Như Huỳnh).

Theo cam kết EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. 

Với cam kết này, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10 đã có 10 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng khoảng 5.932 tấn gạo thơm. 

Kì vọng xuất khẩu gạo thơm sang EU trong thời gian tới sẽ lạc quan hơn vì đây là cơ hội rất lớn để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường này về giá và chất lượng. Nhưng để chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tự xây dựng vị thế riêng để có thể nắm bắt và thực tiễn hóa cơ hội này. 

"Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2020/NĐ-CP về “Qui định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu”.

Tuy nhiên các doanh nghiệp nên nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACPP, HALAL hay BRC nhằm đảm bảo khả năng cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu khó tính của các thị trường tiêu dùng cao cấp như EU.

Bên cạnh đó, việc đạt được các giấy chứng nhận tự nguyện khác phổ biến tại EU sẽ giúp các thương nhân thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu gạo sang thị trường này", ông Nam chia sẻ.

gạo - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn bên lề hội thảo. (Ảnh: Như Huỳnh).

Đồng quan điểm, ông Daniel Dobrev, Tham tán kinh tế và Thương mại Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam, chia sẻ: Việt Nam cần tạo thêm các cụm ngành theo chiều ngang và chiều dọc để tiếp cận thị trường thế giới hiệu quả hơn. 

Đồng thời đẩy mạnh quảng bá nhiều hơn ở các nước EU về lợi ích của gạo Việt Nam, phát triển thêm các sản phẩm chế biến sẵn từ gạo phù hợp với khẩu vị, nhu cầu thị trường EU như bánh cuốn, gạo lứt, cơm đóng hộp…, kết hợp với các sản phẩm khác của Việt Nam để quảng bá tại EU như gia vị, các loại hạt...

“Bulgaria là quốc gia nhập khẩu gạo quan trọng của Việt Nam và chúng tôi mong muốn khách hàng có được thông tin toàn diện về hương vị của sản phẩm này từ Việt Nam”, ông Daniel Dobrev nhấn mạnh và kì vọng các doanh nghiệp của Bulgaria sẽ nhập khẩu khoảng 2.000 tấn gạo từ Việt Nam nhờ EVFTA.

Như Huỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.