|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gần 8 triệu người mất việc, nghỉ luân phiên do dịch COVID-19

20:59 | 29/06/2020
Chia sẻ
Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội), do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã có gần 8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Tuy nhiên, số lao động được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ chưa nhiều do điều kiện khắt khe và khó áp dụng.
Gần 8 triệu người mất việc, nghỉ luân phiên do dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh trao đổi với đại diện các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lao động.

Chiều 29/6, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, thị trường lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020.

Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu của thị trường lao động sụt giảm.

Theo tính toán sơ bộ và báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6/2020 cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỉ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng với 17,6 triệu người, gần 8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc.

Ông Vũ Trọng Bình đánh giá lao động ở khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất với 72%, tiếp đến là 67,8% khu vực công nghiệp, 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

"Số lao động mất việc làm trong 6 tháng đầu năm 2020 khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất gần 900.000 người.

Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động ngành bán buôn, bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống. Trong khi đó, kết quả giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm chỉ đạt 540.000 lao động, bằng 36,5% kế hoạch năm", ông Vũ Trọng Bình cho biết.

Số người nộp hồ sơ thất nghiệp hơn 565.000 người, tăng 32% so với cùng kì, số tiền chi cho bảo hiểm thất nghiệp gần 7.000 tỉ đồng. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ là nơi nhiều người nộp hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhất, tiếp đến là Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung...

Số lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tập trung nhiều nhất ở các tỉnh, thành có thị trường lao động phát triển, nhất là khu công nghiệp - khu chế xuất.

Số lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến và du lịch. Đơn cử như tại Đà Nẵng, trong số 16.000 hồ sơ thì có tới 5.000 hồ sơ của lao động trong lĩnh vực khách sạn, dịch vụ du lịch...

Tại hội nghị, đại diện Saigontourist cho biết: Du lịch nội địa mới phục hồi trong thời gian gần đây; trong khi mảng đưa khách Việt Nam đi du lịch quốc tế và đón khách quốc tế vào Việt Nam chiếm doanh thu cao thì chưa có thời gian khởi động lại. Do đó, đơn vị đang luân chuyển đưa lao động mảng quốc tế chuyển sang làm nội địa.

Thời gian qua, người lao động nghỉ luôn phiên và dùng quỹ dự phòng để hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, quỹ dự phòng này cũng có hạn và đơn vị sẽ phải cơ cấu lại khoản hỗ trợ cho lao động. Do đó, đơn vị đề xuất giãn đóng BHXH đến hết tháng 12/2020.

Còn đại diện Vietnam Airline cho biết: Trong tháng 4 thì đơn vị ngừng bay, tháng 5 khởi động lại và tháng 6 đã hoạt động gần như đạt công suất về các chuyến bày nội địa như trước đây nhưng lượng khách chỉ đạt khoảng 50% công suất.

Hiện lực lượng lao động trực tiếp đi làm lại khoảng 60% và lao động gián tiếp đi làm lại khoảng 30%. Đơn vị cũng đang tính toán để người lao động làm việc luôn phiên để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Do đó, Vietnam Airline cũng kiến nghị giãn đóng BHXH, với lao động tạm ngừng hợp đồng thì chuyển sang BHXH tự nguyện.

Trong khi đó, đại diện Tổng công ty dệt may Hà Nội cho biết: Điều kiện để lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hưởng hỗ trợ gói 62.000 tỉ đồng khá ngặt nghèo như phải có trên 50% lao động ngừng việc; doanh nghiệp không có doanh thu thì đã phá sản; yêu cầu doanh nghiệp trả trước 50% tiền lương... Những điều kiện này doanh nghiệp khó đáp ứng, nhất là vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội trả lương cho người lao động.

Còn đại diện cho các trường tư nhân tại Hà Nội kiến nghị không đóng BHXH từ tháng 2 đến tháng 4 do các trường không hoạt động nên không có doanh thu, miễn đóng BHXH từ tháng 5 cho đến hết năm 2020.

Do đó, các doanh nghiệp dệt may, thủy sản, hàng hải kiến nghị nới điều kiện để người lao động tại doanh nghiệp khó khăn để hưởng hỗ trợ như chỉ cần giảm danh thu 30% hoặc có sự xác định giãn nợ của ngân hàng, miễn giảm đóng thuế phí là xác định được giảm giãn đóng BHXH.

Liên quan đến việc giảm đóng BHXH, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định nếu doanh nghiệp không có doanh thu và trả lương cho người lao động thì không phải đóng BHXH.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh khẳng định: Bộ mong muốn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để trong phiên họp Chính phủ thường kì diễn ra vào đầu tháng 7 để kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ cho lao động tại doanh nghiệp trong thời gian qua còn rất chậm, số người hưởng rất ít do vướng mắc nhiều điều kiện để vay vốn trả lương, hỗ trợ lao động tạm ngừng hợp đồng. Do đó, từ kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ sẽ kiến nghị nới các điều kiện hô trợ cho người lao động tại doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề xuất với Chính phủ nới quy định cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại nghề cho người lao động.

XC