Gần 55.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý trong 4 tháng đầu năm 2022
Theo báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết từ năm 2021 đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 216.700 tỷ đồng nợ xấu.
Trong 4 tháng đầu 2022, tổng số dư nợ xấu được xử lý đạt 54.800 tỷ đồng, phần lớn là khách hàng trả nợ (23.600 tỷ đồng), chiếm 43% tổng nợ xấu được xử lý; sử dụng dự phòng rủi ro khoảng 14.200 tỷ đồng, chiếm 25,9% và bán nợ cho VAMC 11.400 tỷ đồng chiếm 20,9%.
Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 - 2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3.250 tỷ đồng/tháng)
Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 148.000 tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý (trung bình từ 2012-2017 chỉ khoảng 22,8%). Trong đó, riêng năm 2021, đã xử lý được 48.300 tỷ đồng.
Cũng tại báo cáo, Thống đốc cho biết nguy cơ nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ trước mắt là hết sức cần thiết nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng và rủi ro thanh khoản trong trung hạn.
Việc cung ứng vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung, dài hạn) vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng trong khi nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản cho hệ thống TCTD.
Việc bán, phát mại tài sản để xử lý nợ xấu của các TCTD gặp nhiều khó khăn do thị trường thanh lý tài sản đảm bảo bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh đó, có những khách hàng lợi dụng bối cảnh dịch bệnh để trì hoãn trả nợ, giao tài sản đảm bảo cho các TCTD khiến tiến trình xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm càng gặp nhiều khó khăn.
Do đó, định hướng trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tạo cơ sở để đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu hiệu quả.
Ngoài ra, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy định tại Nghị quyết 42 trên thực tế sau khi được Quốc hội thông qua gia hạn thời gian áp dụng Nghị quyết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/