Gần 11 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2018
Doanh nghiệp vẫn kêu chi phí cao | |
Doanh nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan với cơ hội năm 2018 |
Trong đó, có gần 11 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017 và hơn 4,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế trong tháng là hơn 316 nghìn tỷ đồng.
Bao gồm số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là hơn 98 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái), và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 218 nghìn tỷ đồng với 3.522 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 1 năm 2018 đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 01 năm nay là 85.289 lao động, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
So sánh tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 1 năm 2018 với cùng kỳ năm ngoái phân theo lĩnh vực hoạt động cho thấy, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm về số vốn đăng ký và số lao động đăng ký.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản và nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm cả về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký.
Không có ngành nào tăng đều ở cả 3 chỉ tiêu là số doanh nghiệp đăng ký, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký.
Về số doanh nghiệp đăng ký, trong tháng 1, lượng doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở những ngành nghề như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa, ô tô, xe máy có 3.805 doanh nghiệp, chiếm 35,1%; xây dựng có 1.378 doanh nghiệp, chiếm 12,7%; …
Qua xem xét về số lượng và tốc độ gia tăng doanh nghiệp cho thấy, ngành bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất so với cả nước nhưng xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của ngành nghề so với cùng kỳ năm 2017 thì ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có tỷ lệ cao nhất là 52,9%.
Về số vốn đăng ký trong tháng 1 năm 2018, Xây dựng là ngành có số vốn đăng ký mới nhiều nhất với 20.615 tỷ đồng, chiếm 21%; tiếp đến là ngành kinh doanh bất động sản 17,9% (17.562 tỷ đồng) và bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy 17,5% (17.174 tỷ đồng);...
Xét về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp, trong tháng 1 năm nay một số ngành có tỷ trọng cao như sản xuất phân phối điện, nước, ga đạt 72 tỷ đồng/doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản đạt 38,1 tỷ đồng; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 21 tỷ đồng.
Về số lao động đăng ký, một số ngành, lĩnh vực thu hút nhiều số lao động gia nhập thị trường, gồm có: Công nghiệp chế biến, chế tạo có 27.128 lao động, chiếm 31,8%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 19.353 lao động, chiếm 22,7%; Xây dựng có 9.399 lao động, chiếm 11%...
Một số ngành có tỷ trọng lao động bình quân trên 1 doanh nghiệp cao, gồm có: ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang là ngành chiếm tỷ trọng lao động cao nhất trong các ngành kinh tế với 20,6 lao động/doanh nghiệp; tiếp đó là ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas là 15,2 lao động/doanh nghiệp; hoạt động dịch vụ khác là 12,5 lao động/doanh nghiệp...
Như vậy, xét về số lao động đăng ký và tỷ trọng lao động thì ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ưu thế hơn các ngành còn lại nhưng xét về tỷ lệ gia tăng lao động so với cùng kỳ năm 2017 thì ngành này lại giảm.