|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hai doanh nghiệp BĐS tại TP HCM nợ thuế hàng trăm tỷ đồng hoạt động ra sao?

13:46 | 22/01/2021
Chia sẻ
Hai doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu danh sách nợ thuế khủng tại TP HCM ghi nhận tình hình hoạt động kinh doanh trái ngược. Cụ thể, trong khi Gamuda Land liên tục tăng trưởng từng năm thì CTCP Đức Khải đang ngập ngụa trong nợ nần.

Tại báo cáo gửi Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2020, Cục Thuế TP HCM thông tin tính đến 30/11/2020, nợ có khả năng thu trên địa bàn là 12.285 tỷ đồng, tăng 25% so với thời điểm 31/12/2019.

Theo Cục Thuế TP HCM, nợ thuế lớn trên địa bàn chủ yếu liên quan đến các khoản thu từ đất và thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động bất động sản (BĐS). Trong đó, tổng số nợ tiền thuê mặt đất, mặt nước năm 2019 trên toàn thành phố là 2.961 tỷ đồng, tăng 7,44% so với năm trước.

Đứng đầu danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuế là CTCP Gamuda Land nợ 541 tỷ đồng (trong đó tiền thuê đất 421 tỷ đồng, tiền chậm nộp 120 tỷ đồng) và CTCP Đức Khải nợ 441 tỷ đồng (trong đó tiền sử dụng đất 334 tỷ đồng, tiền chậm nộp 107 tỷ đồng).

Gamuda Land "ăn nên làm ra" vẫn liên tục nợ thuế

Về CTCP Gamuda Land (HCMC) , đây là doanh nghiệp phát triển bất động sản dân dụng  vốn nước ngoài có trụ sở tại TP HCM, được thành lập từ tháng 8/2009. Hiện doanh nghiệp do ông Liew Bing Fooi làm người đại diện pháp luật.

Theo Cổng thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia, vốn điều lệ Gamuda Land tính đến thời điểm 16/12/2020 là 605 tỷ đồng, do công ty Gamuda Land (HCMC) Sdn Bhd nắm giữ. Được biết, đơn vị này thuộc quản lý của Gamuda Berhad - một công ty kỹ thuật, phát triển bất động sản và cơ sở hạ tầng tại Malaysia thành lập từ năm 1995.

Bên cạnh Gamuda Land (HCMC), tập đoàn đến từ Malaysia còn thành lập Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam tại Hà Nội từ năm 2007. Trong thời gian hoạt động, doanh nghiệp này đã nhiều lần nâng vốn điều lệ, thời điểm nâng vốn lên lớn nhất gần 4.600 tỷ đồng vào tháng 11/2019. Sau đó, đến cuối năm 2019, vốn điều lệ của doanh nghiệp này giảm xuống còn hơn 3.800 tỷ đồng.

Hai DN bất động sản tại TP HCM nợ thuế gần 1.000 tỷ đồng hoạt động ra sao? - Ảnh 1.

(Nguồn: Thu Thủy tổng hợp).

Thông tin chúng tôi có được, giai đoạn 2017 – 2019, Gamuda Land (HCMC) tăng trưởng vượt bậc với doanh thu từ 440 tỷ đồng tăng hơn 8 lần lên 4.141 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tương ứng cũng tăng 13 lần lên 1.376 tỷ đồng. Từ lỗ sau thuế 11,6 tỷ đồng năm 2017, công ty ghi nhận khoản lãi sau thuế hơn 955 tỷ đồng vào năm 2019.

Tương tự, Gamuda Land Việt Nam cũng cho thấy tình hình hoạt động kinh doanh có nhiều khởi sắc. Giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu công ty tăng 42%, từ 2.232 tỷ đồng lên 3.178 tỷ đồng; lãi sau thuế năm 2019 cũng cao gấp đôi năm 2017, đạt 558 tỷ đồng.

Như vậy, tính riêng năm 2019, hai công ty trên đã mang về cho Gamuda Land hơn 1.500 tỷ đồng tiền lãi sau thuế.

Hai DN bất động sản tại TP HCM nợ thuế gần 1.000 tỷ đồng hoạt động ra sao? - Ảnh 2.

(Nguồn: Thu Thủy tổng hợp).

Gamuda Land (HCMC) được biết đến là chủ đầu tư dự án như Celadon City tại TP HCM (82 ha) trong khi Gamuda Land Việt Nam tiếp quản dự án Gamuda City tại Hà Nội (274 ha) và dự án Công viên Yên Sở (Hà Nội).

Đức Khải chìm trong thua lỗ

Doanh nghiệp còn lại nợ thuế khủng là CTCP Đức Khải thành lập từ tháng 3/2005. Đây là doanh nghiệp đã nhiều lần bị cục Thuế TP HCM nêu tên vì nợ thuế. 

Trong các dự án mà doanh nghiệp này từng thực hiện, nổi bật có dự án Khu dân cư Kỷ Nguyên (The Era Town) có tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng, cách khu đô thị Phú Mỹ Hưng khoảng 5 km và trung tâm quận 1 hơn 12km. Đây là dự án nhiều lần bị Ngân hàng BIDV phát mại từ tháng 10/2019 đến giữa năm 2020 nhằm siết nợ chủ đầu tư.

Ngoài ra, Đức Khải cũng là chủ đầu tư dự án Khu dân cư – Tái định cư Bình Khánh vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng và dự án The Useful Apartment vốn đầu tư 750 tỷ đồng

Đức Khải còn hai dự án đầu tư dưới hình thức PPP đang chuẩn bị thực hiện. Trong đó, dự án ICD với tổng mức đầu tư khoảng 15.740 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng 1.453 tỷ đồng; đầu tư cho cảng ICD Long Bình 5.687 tỷ đồng; đầu tư cho cảng ICD Trường Thọ khoảng 8.600 tỷ đồng.

Dự án PPP còn lại là C30 có tổng mức đầu tư khoảng 8.406 tỷ đồng, bao gồm đầu tư cho khu vực C30 khoảng 3.121 tỷ đồng; đầu tư cho cụm chung cư cũ Ngô Gia Tự khoảng 5.285 tỷ đồng. 

Thông tin từ Đức Khải, doanh nghiệp này đang triển khai dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình vốn 2.166 tỷ đồng và Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng vốn 1.953 tỷ đồng.

Đối với dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng kể từ khi có chủ trương thực hiện từ năm 2010 đã nhiều lần đội vốn. Năm 2018, TP HCM quyết định giao dự án cho CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt để cùng Tổng CTCP Đền bù Giải tỏa (thành viên của Đức Khải) thực hiện dự án.

Theo Đức Khải, doanh nghiệp hiện có 11 công ty thành viên, ngoài Tổng CTCP Đền bù Giải tỏa còn CTCP Quản lý dự án Vạn Sự Hưng, Công ty Phát triển BĐS C30 quận 10, CTCP Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn, CTCP Phân phối Đức Khải...

Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật Đức Khải là ông Phạm Ngọc Tân (sinh năm 1994). Chủ tịch công ty là ông Phạm Ngọc Lâm -người từng gây xôn xao dư luận khi tuyên bố sẽ chi 1.500 tỷ đồng mua 100 tàu cá, 2 trực thăng.

Về tình hình kinh doanh của riêng công ty mẹ Đức Khải, xét giai đoạn ba năm 2017 - 2019, doanh thu thuần giảm mạnh từ 649 tỷ đồng còn 207,5 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp tăng lỗ sau thuế từ chưa đến 1 tỷ năm 2017 đến lỗ hơn 28 tỷ đồng năm 2019.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng nguồn vốn hoạt động là 3.594 tỷ đồng, chủ yếu là nợ phải trả chiếm 3.549 tỷ đồng (bao gồm 956 tỷ đồng nợ vay dài hạn).

Vốn chủ sở hữu của Đức Khải chỉ còn lại 44,4 tỷ đồng khi vốn góp ban đầu là 650 tỉ đồng, rất có khả năng công ty mẹ Đức Khải đã lỗ luỹ kế hàng trăm tỉ đồng từ ngày đầu hoạt động.

Từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã liên tục thực hiện giảm giá các căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town) ở quận 7, TP HCM để thu hồi nợ.

Thu Thủy

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.