Temu phải nộp thuế thế nào ở Việt Nam
Tuần trước, Tổng cục Thuế cho biết Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd (Singapore) - chủ sở hữu của Temu - đã đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và được cấp mã số thuế. Sàn này dự kiến phát sinh doanh thu nộp thuế từ tháng 10.
Theo luật sư Nguyễn Đình Hiệp (Công ty Luật TNHH Hoanganh IBC), nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng phát sinh thu nhập từ bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng Việt. Do đó, các sàn này được xem là một nhà thầu nước ngoài theo định nghĩa tại Thông tư 103/2014.
"Họ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ tính trên doanh thu, hay còn gọi là phương pháp trực tiếp", ông Hiệp cho biết.
Trong đó, thuế VAT = doanh thu tính thuế x tỷ lệ % tính thuế này trên doanh thu. Theo quy định, tỷ lệ % tính thuế với các nhà thầu nước ngoài, như sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, dựa trên ngành kinh doanh cụ thể tại Việt Nam. Chẳng hạn, Temu thường cung cấp dịch vụ bán lẻ hoặc thương mại, tỷ lệ tính là 2%.
Còn thuế thu nhập doanh nghiệp = doanh thu tính thuế x tỷ lệ % tính thuế trên doanh thu. Temu thuộc nhóm hoạt động ngành kinh doanh thương mại - phân phối hàng hóa tại Việt Nam, nên tỷ lệ tính thuế là 1%.
Với cả hai loại thuế trên, nếu nền tảng này có nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, tỷ lệ % căn cứ vào doanh thu tính thuế với từng hoạt động. Trường hợp không tách riêng được thì áp dụng mức cao nhất cho toàn bộ giá trị hợp đồng.
Về cách thức, chuyên gia từ Hãng luật Hoanganh IBC cho biết Temu cần đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử và đăng ký lần đầu qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Họ cần đáp ứng hai điều kiện gồm khả năng truy cập, sử dụng mạng Internet và có địa chỉ thư điện tử (email) để giao dịch với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Nhà cung cấp ở nước ngoài đăng ký thuế theo mẫu, sau đó thông tin về tài khoản giao dịch điện tử và mã số thuế được gửi vào email của họ.
Theo quy định, các doanh nghiệp này cần khai và nộp thuế theo quý vào tài khoản ngân sách Nhà nước đúng hạn. Ngoài ra, họ có thể ủy quyền cho tổ chức, đại lý để đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam.
Như vậy, nếu được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động sau thời gian âm thầm bán hàng vào Việt Nam, Temu phải kê khai vào kỳ thuế quý IV, thời hạn nộp là 31/1/2025 .
Thực tế, ngoài Temu, đến nay có 111 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của ngành thuế, như Google, Meta (Facebook), Microsoft, Netflix, TikTok... Lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin dành cho các nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp trên 18.600 tỷ đồng. Ngoài ra, số thuế do Việt Nam khấu trừ nộp thay nhà cung cấp từ khi vận hành cổng khoảng 4.050 tỷ đồng.
Các nền tảng nước ngoài như Temu tự kê khai, nộp thuế, song Tổng cục Thuế khẳng định họ có biện pháp phù hợp để quản lý hiệu quả và minh bạch với kinh doanh truyền thống. Chẳng hạn, với nhà cung cấp phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký thuế, cơ quan thuế sẽ rà soát và có biện pháp xử lý phù hợp. Còn nhà cung cấp khai chưa đúng doanh thu, họ sẽ đối chiếu dữ liệu để xác định lại và thanh, kiểm tra nếu có dấu hiệu gian lận.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết từ tuần sau cơ quan thuế sẽ dùng AI kiểm soát doanh thu, giao dịch mua bán trên các sàn thương mại điện tử, nhất là nền tảng xuyên biên giới. Ông Phớc nhấn mạnh đây là giải pháp của ngành để chống trốn, thất thu thuế qua kênh này.
Hiện Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật Quản lý thuế theo hướng siết chặt hơn với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài (không phân biệt có hay không cơ sở hiện diện ở Việt Nam) dự kiến phải đăng ký, khai và nộp thuế. Ngoài ra, sàn thương mại điện tử ngoài cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, tới đây có thể phải khai, nộp thuế thay người bán trên sàn. Lãnh đạo cơ quan thuế cho rằng về kỹ thuật, các sàn thương mại điện tử hoàn toàn có thể thực hiện việc này.
Bộ này cũng đề xuất sửa quy định liên quan đến khai thác, chia sẻ dữ liệu về thông tin người bán, giao dịch trên kênh thương mại điện tử giữa cơ quan thuế với các bộ, ngành như Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước...
Kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới mới phát sinh ở Việt Nam, có nhiều điểm khác so với kênh bán truyền thống. Vì thế, theo Tổng cục Thuế, ngoài hoàn thiện pháp lý, cơ quan quản lý sẽ tăng tuyên tuyền, tạo điều kiện để các chủ thể sản xuất kinh doanh và nộp thuế đúng quy định.