|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chợ truyền thống tìm lối thoát trước 'cơn bão' Temu, TikTok Shop

15:46 | 04/11/2024
Chia sẻ
Dù đã cố gắng song tỷ lệ chuyển đổi từ bán hàng truyền thống tại chợ lên các sàn thương mại điện tử của những tiểu thương này vẫn hết sức chậm chạp.

Tại chợ Đồng Xuân, các gian hàng bày bán đủ loại quần áo, giày dép và đồ lưu niệm. Người bán ngồi trò chuyện hoặc lướt điện thoại, thi thoảng mới có một vài du khách ghé qua. Không khí này khác xa với thời kỳ chợ từng là trung tâm buôn bán nhộn nhịp.

“Đã 12 giờ trưa mà chưa có ai vào mua gì cả”, ông Phùng Mai Hùng, một người bán buôn quần áo, chia sẻ với Rest of World. “Doanh thu kém do ảnh hưởng từ thương mại điện tử”.

Ông Hùng và vợ đã kinh doanh cửa hàng Lan Hùng trong khu chợ này hơn 30 năm. Trước tình trạng doanh thu sụt giảm những năm gần đây, ông đã tự học lập website, tạo kênh YouTube và đưa cửa hàng lên Google Maps. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi. “Bán cho khách du lịch chỉ là vui thôi, không nuôi sống nổi”, ông Hùng, 63 tuổi, chia sẻ.

Bên trong chợ Đồng Xuân tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Cả nước hiện có khoảng 9.000 chợ truyền thống, với hàng trăm cửa hàng bán đủ loại sản phẩm, từ thực phẩm, quần áo đến đồ gia dụng. Trước đây, các chợ này từng là những trung tâm thương mại sôi động. Nhưng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử, lượng khách đến chợ ngày càng giảm.

“Sức mua tại nhiều chợ hiện chỉ đạt khoảng 60% công suất”, ông Võ Văn Khanh, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết. “Các chợ có thể sẽ phải đóng cửa nếu chúng ta không hành động”.

Thương mại điện tử đang bùng nổ trên khắp Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 115 tỷ USD trong năm 2023, tăng 15% so với năm trước, theo Momentum Works. Các nhà bán hàng địa phương gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với mức giảm giá sâu, giao hàng nhanh và bán hàng xuyên biên giới của các nền tảng thương mại điện tử lớn, chủ yếu từ Trung Quốc.

Trước tình hình này, chính quyền Indonesia, Malaysia và Philippines đã tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa mua qua thương mại điện tử. Tại Thái Lan và Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng kêu gọi áp dụng biện pháp tương tự.

Tuy nhiên, Việt Nam lại chọn hướng đi khác. Cơ quan chức năng khuyến khích người bán chuyển sang thương mại điện tử và hỗ trợ các chương trình của TikTok Shop và Shopee nhằm đào tạo nhà bán hàng.

Từ tháng 5, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam đã huấn luyện khoảng 450 tiểu thương tại 9 chợ truyền thống, giúp họ biết cách tạo gian hàng trên các nền tảng, quản lý đơn hàng trực tuyến và bán hàng qua livestream.

Năm tới, VECOM đặt mục tiêu tiếp cận 1.000 chợ truyền thống và hỗ trợ chuyển đổi thành công 500 nhà bán hàng. VECOM cũng hợp tác với Shopee để đào tạo hơn 20.000 doanh nghiệp nhỏ trên cả nước.

Trong một sự kiện của TikTok tại chợ Bến Thành ở TP HCM vào tháng 12 năm ngoái, các influencer (người có tầm ảnh hưởng) đã giúp các tiểu thương bán hàng nghìn sản phẩm qua livestream.

Livestream bán hàng đang rất thịnh hành tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Dù có vài câu chuyện thành công, phần lớn tiểu thương vẫn “thích nghi rất chậm” - ông Võ Văn Khanh cho biết. Theo báo cáo của VECOM, chưa đến một nửa trong số 450 tiểu thương được đào tạo đã triển khai bán hàng trực tuyến, do thiếu kỹ năng số và khó khăn trong quản lý nguồn hàng, logistics.

“Một thách thức lớn khác là thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của sở thích người tiêu dùng và xu hướng thị trường,” một đại diện của Shopee chia sẻ. Không phải tiểu thương nào qua đào tạo cũng tin rằng chuyển sang thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả.

Mai Văn Tùng, một người bán hải sản khô tại chợ Cồn, Đà Nẵng, cho biết anh chỉ bán được hai đến ba sản phẩm mỗi ngày trên TikTok Shop sau một buổi đào tạo của VECOM. 

Anh chia sẻ rằng nếu video lan truyền rộng rãi, sẽ có thêm người biết đến cửa hàng và đến mua, nhưng về doanh số thì không cải thiện nhiều. 

Livestream cũng không hiệu quả vì khách hàng ở miền Bắc khó hiểu giọng của anh. Chi phí vận chuyển trên TikTok Shop cũng cao vì anh không kiểm soát được logistics.

Theo ông Phạm Trung Thành, CEO AZ Digital, việc lập hóa đơn, đóng gói, xử lý logistics và truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu nền tảng là những thách thức không dễ giải quyết qua đào tạo. Việc làm quen với cách thức vận hành của thương mại điện tử cũng là một khó khăn lớn.

“Một người bán giò truyền thống có thể nghỉ khi hết hàng. Nhưng bán trực tuyến, khách hàng không bao giờ nghỉ. Khi cần giao hàng, họ lại thiếu nhân viên để đáp ứng. Bán được là một chuyện, nhưng bán hiệu quả lại là một thách thức khác”, ông Thành nói.

Các nền tảng thương mại điện tử cũng đang chọn lọc hơn. Theo công ty phân tích Metric, dù doanh số bán hàng trên năm trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, bao gồm Shopee và Lazada, tăng gần 16% trong quý ba so với cùng kỳ năm trước, số lượng cửa hàng trực tuyến lại giảm gần 20% do người tiêu dùng thích mua từ các nhà bán hàng đã được xác thực.

Nhiều người bán không muốn cạnh tranh trong môi trường thương mại điện tử khắc nghiệt mà chọn dùng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin để tiếp cận khách hàng. Theo báo cáo mới nhất từ Decision Lab, ngay cả khách hàng quen thuộc với mua sắm qua livestream cũng thích nhắn tin trực tiếp để có thể trò chuyện riêng với người bán.

Tại Đà Nẵng, anh Tùng có khoảng 10.000 người theo dõi trên Facebook cho cửa hàng hải sản khô của mình. Anh chia sẻ rằng Facebook là kênh anh ưa chuộng để kết nối với khách hàng ở xa, kể cả ở Hà Nội, vì có thể trao đổi trực tiếp với họ. 

Theo bà Trần Thị Kiều Thanh Hà, quản lý dự án tại tổ chức phi lợi nhuận HealthBridge Canada, tại các chợ thực phẩm tươi sống ở Hà Nội, người bán thường cập nhật khuyến mãi qua ứng dụng Zalo.

Bà Hà, người đang hỗ trợ bảo tồn các chợ truyền thống tại Việt Nam, ủng hộ việc giúp người bán hàng tham gia các nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, từ góc nhìn bảo tồn, bà đặt câu hỏi: “Nếu tất cả người bán chuyển sang bán trực tuyến, thì chợ sẽ ra sao?”.

Nguyễn Phương Anh, sinh viên 22 tuổi ở TP HCM, đã ngừng đi chợ truyền thống từ năm ngoái và chuyển sang đặt hàng tạp hóa qua mạng. “Tôi bận hơn, với lại trời nóng”, cô chia sẻ. Tuy nhiên, khi muốn nấu món ăn truyền thống, cô lại đến chợ để mua nguyên liệu. “Ở chợ có nhiều loại hơn”, cô nói. “Ví dụ, chỉ ở chợ mới có cà pháo xanh”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Huy

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.