|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ấn Độ điều tra tự vệ thép cán phẳng hợp kim hoặc không hợp kim

22:00 | 31/12/2024
Chia sẻ
Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ khởi xướng điều tra tự vệ đối với thép cán phẳng hợp kim nhập khẩu về những nguyên nhân và tác động đến ngành sản xuất nội địa.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã ra thông báo khởi xướng điều tra tự vệ đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim hoặc không hợp kim (Non-alloy and alloy steel flat products) nhập khẩu vào Ấn Độ.

Theo đó, vụ việc được khởi xướng trên cơ sở hồ sơ đề nghị của Hiệp hội Thép Ấn Độ đại diện cho nhiều doanh nghiệp thép lớn của Ấn Độ như Arcelor Mittal Nippon Steel, AMNS Khopoli, Jindal Steel and Power, Steel Authority of India…

Sản phẩm bị điều tra là thép hợp kim hoặc không hợp kim cán phẳng (Non-alloy and alloy steel flat products) thuộc mã HS: 7208, 7209, 7210, 7211, 7225, 7226... Phạm vi sản phẩm bị điều tra bao gồm các sản phẩm thép cán nóng, thép cán nguội, thép phủ kim loại chống ăn mòn (bao gồm thôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ hợp kim kẽm–magie) và thép phủ màu.

Các sản phẩm thép được loại trừ khỏi phạm vi điều tra gồm thép điện định hướng hạt cán nguội (cold rolled grain oriented electrical steel), thép cuộn/tấm không định hướng hạt cán nguội (cold rolled grain non-oriented electrical steel coil and sheet), thép mạ điện (coated-electro galvanized steel), thép lá mạ thiếc (tinplate), thép không gỉ (stainless steel).

Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm bị điều tra nhập khẩu vào Ấn Độ với khối lượng gia tăng nhanh, mạnh và đột biến, là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa Ấn Độ. Ngoài ra, nguyên đơn đã chỉ ra yếu tố diễn tiến không lường trước được gây ra sự gia tăng nhập khẩu đột biến bao gồm sau khi Hoa Kỳ áp thuế 25% thuế thép theo Mục 232, Đạo luật Mở rộng thương mại, nhiều quốc gia đã áp dụng liên tiếp các biện pháp phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu.

Sự dư thừa công suất sản xuất thép đáng kể ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; chính sách nội địa của Trung Quốc chuyển sản xuất thép dài sang thép cán phẳng để xuất khẩu; đầu tư sản xuất thép của Trung Quốc sang các nước ASEAN; các nghĩa vụ của Ấn Độ thực thi theo GATT 1994 và các hiệp định khác.

Thời kỳ điều tra: 1/10/2023 - 30/9/2024. DGTR cho biết sẽ điều tra số liệu từ 1/4/2021-31/3/2022; 1/4/2022-31/3/2023; 01/4/2023-31/3/2024 và thời kỳ điều tra. Nguyên đơn đề nghị Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời do có tồn tại tình trạng khẩn cấp (critical circumstances) và áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ yêu cầu các bên liên quan gửi thông tin bình luận về vụ việc và bản trả lời câu hỏi điều tra dành cho nhà sản xuất, xuất khẩu, nhà nhập khẩu, ngành sản xuất nội địa, bản câu hỏi lợi ích kinh tế theo đúng thể thức và định dạng quy định theo địa chỉ email: jd12-dgtr@gov.in; ad12-dgtr@gov.in; adv11-dgtr@gov.in; dgtr@govcontractor.in; consultant-dgtr@govcontractor.in.

Thời hạn gửi thông tin liên quan nêu trên là trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng (ngày khởi xướng là ngày 19/12/2024), muộn nhất là ngày 2/1/2025. Trong trường hợp không nhận được thông tin bình luận Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ sẽ sử dụng dữ kiện có sẵn để điều tra.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra nghiên cứu kĩ thông báo khởi xướng, đơn kiện bản công khai, gửi ý kiến bình luận về vụ việc (nếu có), gửi bản trả lời bản câu hỏi điều tra dành cho nhà sản xuất, xuất khẩu theo đứng thể thức và định dạng quy định về cơ quan điều tra Ấn Độ theo địa chỉ email nêu trên.

Hợp tác đầy đủ và toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị kết luận không hợp tác (thường dẫn tới mức thuế rất cao). Đặc biệt, giữ liên lạc, phối hợp với Cục để nhận được sự hỗ trợ kịp thời./.

Uyên Hương

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.