|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Mở cửa' cho tích tụ đất đai trong nông nghiệp

21:45 | 31/12/2024
Chia sẻ
Thủ tướng và các Bộ trưởng cho biết Luật Đất đai sửa đổi đã "mở cửa" để người dân được tích tụ đất đai với hai phương thức nhận chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Sáng 31/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. Hội nghị mang chủ đề "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới". Sự kiện thu hút hơn 4.500 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 2.000 nông dân và đại diện hợp tác xã từ khắp cả nước.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tri ân, chia sẻ và tương tác để cùng tìm ra những giải pháp đột phá cho năm 2025, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai và phát triển nông nghiệp. Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, các lãnh đạo bộ, ngành và Hội Nông dân Việt Nam đã lắng nghe kiến nghị từ nông dân, hợp tác xã và các chuyên gia nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Minh Chính tại cuộc đối thoại. Ảnh: Nhật Bắc

Một trong những vấn đề nổi bật được đưa ra thảo luận là tích tụ và tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp. Bà Vũ Thị Thương Huyền, Giám đốc Hợp tác xã chè Thịnh An tại Thái Nguyên, phản ánh khó khăn trong việc tích tụ đất đai với quy mô lớn do thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng cho các tổ chức kinh tế tập thể.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, Chính phủ đã đặc biệt chú trọng bổ sung chính sách về tập trung và tích tụ đất đai khi xây dựng Luật Đất đai 2024 trình Quốc hội thông qua. Bộ luật mới quy định rõ 5 phương thức tập trung và tích tụ đất đai trong sản xuất nông lâm nghiệp.

Cụ thể, tập trung đất đai bao gồm ba hình thức: chuyển đổi quyền sử dụng đất thông qua dồn điền đổi thửa, thuê quyền sử dụng đất, và hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Đối với tích tụ đất đai, hai phương thức chính là nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức hoặc cá nhân sản xuất nông nghiệp và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Bộ trưởng Duy nhấn mạnh các thủ tục liên quan đã được quy định chi tiết trong Nghị định 102. Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 đã mở rộng đối tượng và nâng hạn mức tiếp cận đất đai, đồng thời cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức, quy định tại Điều 45.

Ông khẳng định khuôn khổ pháp lý mới đã khắc phục những bất cập của Luật Đất đai 2013, tạo điều kiện để tổ chức kinh tế và hộ gia đình, cá nhân có thể tiếp cận quỹ đất đủ lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do đây là quy định mới, nhiều người dân có thể chưa kịp nghiên cứu và tiếp cận đầy đủ. Bộ trưởng cam kết sẽ tăng cường phổ biến và hướng dẫn để chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu rõ các vấn đề về tích tụ đất đai, quy hoạch sử dụng đất. Ảnh: Nhật Bắc

Nông dân Võ Quan Huy từ Long An đã nêu bất cập trong việc thuê đất nông lâm trường, khi quy định mới yêu cầu đấu giá khiến người dân gặp khó khăn dù đã đầu tư cải tạo đất từ trước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận đây là vấn đề lớn và cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, báo cáo để tìm giải pháp hiệu quả hơn, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Ngoài đất đai, nhiều ý kiến tập trung vào việc hỗ trợ nông dân sau thiên tai và thúc đẩy phát triển tín dụng ưu đãi. Bà Hoàng Thị Gái, đại diện hợp tác xã tại Hải Phòng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng giãn, hoãn nợ và cấp vốn mới để người dân khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Thông tư 53 đã được ban hành, tạo điều kiện giãn nợ đến hết năm 2025. Đồng thời, Nghị định 55 sửa đổi sẽ tăng hạn mức vay không cần tài sản đảm bảo lên gấp 2-3 lần so với hiện nay.

Vấn đề chế biến sâu nông sản cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Nông dân Nguyễn Xuân Thao, đại diện một hợp tác xã cà phê tại Sơn La, bày tỏ trăn trở về việc hàng hóa nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, dẫn đến giá trị thấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai điểm yếu cần khắc phục là chế biến sâu và kết nối doanh nghiệp. Ông kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu và nghiên cứu thị trường, đồng thời khuyến khích các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế đất, hỗ trợ tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên bổ sung rằng tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp còn rất lớn, nhất là khi Việt Nam đã ký kết 20 hiệp định thương mại tự do, mở ra thị trường với 6 tỷ người tiêu dùng. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng này, cần quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và áp dụng công nghệ hiện đại.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đóng góp của ngành nông nghiệp trong năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản dự kiến vượt 62,5 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2023. Ông đề nghị các bộ, ngành tiếp tục tập trung vào 9 vấn đề lớn, bao gồm hoàn thiện thể chế, quy hoạch đất đai, cải thiện chính sách tín dụng, mở rộng thị trường và ứng dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

 

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.