Bộ Tài chính và Kế hoạch & Đầu tư sau hợp nhất dự kiến không còn tổng cục
Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu tại hội nghị tổng kết ngành tài chính, chiều 31/12.
Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, hai Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Tài chính sẽ hợp nhất, lấy tên là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Bộ này quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực đang giao cho hai cơ quan, như kế hoạch, đầu tư công, ngân sách, tài sản công...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay một trong những nhiệm vụ trong năm tới của là sắp xếp để sớm đưa bộ máy mới vào hoạt động, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. "Ngành tài chính sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm", ông nói.
Dự kiến, sau hợp nhất, số đầu mối của hai bộ sẽ giảm trên 2.650 đơn vị, tương đương 31,4%. Cơ quan này dự kiến sẽ không duy trình mô hình tổng cục, theo Bộ trưởng Thắng.
Hiện, hai Bộ Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư có 56 đầu mối. Trong đó, mỗi bộ có 28 đầu mối, gồm 47 đầu mối hành chính (6 tổng cục, 14 cục, 27 vụ, văn phòng, thanh tra), 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Sáu đơn vị đang hoạt động theo mô hình tổng cục thuộc hai bộ gồm Tổng cục Thuế, Hải quan, Thống kê, Dự trữ, Kho bạc Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành tài chính tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, để đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. "Chỉ bàn làm, không bàn lùi", ông nhắc lại, thêm rằng việc hợp nhất hai bộ phải thực hiện sớm, dứt điểm. Về yêu cầu khi sắp xếp, ông nói bộ máy sau hợp nhất sẽ do một cấp trưởng đứng đầu, còn cấp phó có thể giữ nguyên tới hết nhiệm kỳ.
Trong quá trình sắp xếp, Thủ tướng nhấn mạnh, các đơn vị phải có sự hy sinh, cùng làm, phát triển. "Tư tưởng phải thông, thống nhất nội bộ để chọn người có tâm huyết, trách nhiệm trong quản lý Nhà nước", ông nói.
Năm nay, Thủ tướng giao chỉ tiêu thu ngân sách vượt 10% dự toán Quốc hội giao. Việc này nhằm đảm bảo có nguồn chi theo dự toán, cải cách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách cả năm vượt 324.400 tỷ đồng so với dự toán, tăng 15,5% cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên thu ngân sách vượt 2 triệu tỷ đồng.
Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội, TP HCM lập kỷ lục về thu ngân sách năm nay, vượt 500.000 tỷ đồng. Nguồn thu từ hai địa phương này cùng chiếm 25,7-25,8% dự toán thu cả nước. Một số địa phương khác cũng có mức thu lớn, như Hải Phòng (117.362 tỷ đồng), Đà Nẵng (26.789 tỷ), Bình Dương (75.512 tỷ)...
Cũng theo báo cáo, ước đến ngày 31/12, chi ngân sách đạt khoảng 1,83 triệu tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển khoảng 78,1% Quốc hội giao, chi thường xuyên 94,5% dự toán.
Ngoài thu chi ngân sách, nợ công tiếp tục được quản lý chặt, khoảng 36-37% GDP, thấp hơn ngưỡng cho phép. Nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp Chính phủ so với thu ngân sách 20-21%.
2025 là năm quan trọng để "tăng tốc, về đích" trong nhiệm kỳ 2021-2015. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục khó lường. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tài chính ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho rà soát, tháo gỡ về thể chế. Cơ quan này phải chủ động điều hành chính sách tài khóa, nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bội chi ngân sách và nợ công.
Bộ Tài chính cũng được giao có giải pháp tăng chống thất thu, quản lý các nguồn thu mới từ thương mại điện tử, thu hồi nợ đọng... Những việc này nhằm đạt mục tiêu phấn đấu thu ngân sách 2025 vượt 10% so năm nay.
Về chi ngân sách, Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên, tăng giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực phục hồi, tăng trưởng kinh tế. . Việc này nhằm đảm bảo nguồn cho các nhiệm vụ quan trọng, như sắp xếp, tinh gọn bộ máy, phục hồi và tăng trưởng kinh tế.