Bộ Tài chính: Thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước tăng hơn 19%
Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách cả năm 2024 ước đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% (324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023; tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước đạt 17,8%GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2%GDP; góp phần có thêm nguồn lực tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách đột xuất phát sinh, tăng chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Bộ Tài chính, năm 2024 quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, giới hạn cho phép, góp phần củng cố an ninh tài chính quốc gia; thị trường tài chính, chứng khoán phát triển; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút vốn đầu tư; mở rộng đối ngoại, ngoại giao kinh tế, củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tính đến ngày 27/12, thu ngân sách nhà nước đạt 1.997,3 nghìn tỷ đồng, bằng 117,4% (tăng 296,3 nghìn tỷ đồng) so dự toán; trong đó, thu nội địa đạt 115,2% dự toán, thu từ dầu thô đạt 126,2% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 134,2% dự toán.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tập trung triển khai quyết liệt thu trong những ngày cuối năm, đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản thu đã hết thời gian được gia hạn theo quy định, các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước; tăng cường thu nợ đọng thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, thất thu ngân sách.
Về chi ngân sách nhà nước, năm 2024 Bộ Tài chính đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã kiến nghị các giải pháp chỉ đạo điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, với tổng số tiền các bộ, cơ quan trung ương đã tiết kiệm được khoảng 5 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sử dụng cho mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, người cận nghèo trên phạm vi cả nước; ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển và phân bổ sử dụng các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2023, tập trung cho đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc (nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 2.021 km và phấn đấu đạt 3.000 km trong năm 2025), đường giao thông kết nối liên vùng; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia,...
Chủ động bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 (Yagi).
Tổng số chi ngân sách nhà nước đến ngày 31/12 ước đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 81,9% kế hoạch); chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo dự toán và tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Với kết quả thu, chi ngân sách nhà nước trên, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính năm 2024, bội chi ngân sách nhà nước thực hiện khoảng 3,4% GDP, giảm 10 nghìn tỷ đồng so dự toán (giảm bội chi ngân sách địa phương).
Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán các khoản chi theo dự toán, kịp thời trả các khoản nợ gốc đến hạn. Năm 2024 đã phát hành được 330,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,59% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn bình quân 11,12 năm, lãi suất bình quân 2,52%/năm.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa phát hành trái phiếu Chính phủ với việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, định kỳ trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn và lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; qua đó góp phần ổn định, lành mạnh thị trường tài chính – tiền tệ, kiểm soát lạm phát.
Đến cuối năm 2024, chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu ngân sách nhà nước khoảng 20-21%, thấp hơn mức trần Quốc hội cho phép.
Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ thành công trong điều hành phát triển kinh tế, tăng trưởng mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, nợ công được kiểm soát ở mức thấp. Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo cho 3 Tổ chức S&P, Fitch, Moody’s và S&P xếp hạng tín nhiệm về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước,… làm căn cứ đánh giá, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Cả 3 Tổ chức đều tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức tích cực, bền vững trong đó, S&P, Fitch đánh giá đều ở mức BB+, Moody’s đánh giá ở mức Ba2, triển vọng Ổn định.