Gã khổng lồ tiên phong trong cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản
Theo đưa tin từ CNBC, Chesapeake Energy nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong bối cảnh hãng này và ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ nói chung phải gánh chịu thiệt hại nặng nề vì giá dầu lao dốc, một phần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Được biết, Chesapeake Energy là một trong các công ty dầu khí lớn nhất nước Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản.
Chesapeake Energy đã ngập trong nợ nần và chìm trong khủng hoảng một thời gian. Cho đến tháng 5 năm nay, hãng này tuyên bố họ đang có một số lo ngại về khả năng tồn tại lâu dài của công ty.
Thông qua tái cấu trúc, Chesapeake Energy cho biết khoản nợ khổng lồ 7 tỉ USD sẽ được xóa bỏ. Ngoài ra, gã khổng lồ tiên phong trong cuộc cách mạng dầu đá phiến này còn đảm bảo phát hành khoản nợ ưu tiên trị giá 925 triệu USD để tiếp tục hoạt động trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản.
Thêm vào đó, Chesapeake Energy còn đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc từ một số ngân hàng nhất định để vay khoản 2,5 tỉ USD nhằm thoát khỏi tình trạng phá sản cũng như cam kết bảo lãnh phát hành 600 triệu USD cổ phiếu mới.
CNBC dẫn nguồn tin thân cận cho biết Franklin Resources và Fidelity là hai trong các chủ nợ lớn nhất của ông lớn ngành dầu đá phiến Mỹ và hai tổ chức này cũng sẽ nằm trong nhóm sở hữu nhiều cổ phần của Chesapeake Energy sau khi công ty tái cấu trúc nhất.
Chesapeake Energy sẽ tiếp tục hoạt động, tuy nhiên công suất khai thác của công ty sẽ giảm mạnh. Theo đó, hãng này dự kiến chỉ khai thách một số giàn khoan khí đốt nhưng không vận hành giàn khoan dầu nào, theo nguồn tin thân cận của CNBC.
Trong một tuyên bố, CEO Doug Lawler cho hay: "Về cơ bản, chúng tôi đang tái thiết lại cơ cấu vốn và hoạt động kinh doanh để giải quyết các vấn đề về tài chính còn tồn đọng và tận dụng một số thế mạnh đáng chú ý của công ty".
Chesapeake Energy được thành lập vào năm 1989 bởi ông Aubrey McClendon. Là người tiên phong về phương pháp khoan ngang (horizontal drilling), ông McClendon đã cất công gây dựng Chesapeake Energy thành một trong các ông lớn của ngành công nghiệp khí đốt Mỹ.
Vào thời kì đỉnh cao, Chesapeake Energy vận hành đến 175 giàn khoan trên khắp nước Mỹ, đáng chú là tại các tiểu bang giàu nguồn dầu khí như Texas, Lousiana, Pennsylvania và Ohio.
Tuy nhiên sau đó công ty này bắt đầu gánh nhiều khoản nợ lớn do cố gắng mở rộng qui mô hoạt động. Trong giai đoạn 2010 - 2012, Chesapeake Energy đã chi thêm 30 tỉ USD để mở rộng giàn khoan và cho thuế thay vì tự vận hành.
Là người có công gây dựng công ty, tuy nhiên cuối cùng ông McClendon cũng bị trục xuất ra khỏi công ty vào năm 2013, theo CNBC.
Đến năm 2016, ông này bị truy tố về tội liên quan đến âm mưu đấu thầu giàn khoan khí tự nhiên cho một liên doanh mới mà ông tự xây dựng. Ngay ngày hôm sau, ông McClendon đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi.
Khi CEO hiện tại, ông Doug Lawler, lên thay thế vị trí của người tiền nhiệm, tổng số nợ của Chesapeake Enrergy đã ngang ngửa với khoản nợ của ExxonMobil và Chevron cộng lại.
"Trong vài năm qua, các nhân viên tận tụy của công ty đã dốc sức chuyển đổi hoạt động kinh doanh của Chesapeake Energy, đơn cử như cải thiện hiệu quả vốn và hiệu quả hoạt động, loại bỏ bớt chi phí, giảm nợ và đa dạng hóa danh mục đầu tư", CEO Lawler cho hay trong một tuyên bố.
"Mặc dù Chesapeake Energy đã xóa được khoảng 20 tỉ USD nghĩa vụ tài chính, chúng tôi tin tái cấu trúc là điều cần thiết cho thành công lâu dài cũng như để tạo ra giá trị cho công ty", ông Lawler nói tiếp.
Theo CNBC, Chesapeake Energy không phải là công ty dầu đá phiến lớn của Mỹ lao dốc. Whiting Petroleum cũng là một trong các gã tiên phong khác không thể trụ vững sau khi giá dầu thô lao dốc trong nửa đầu năm 2020. Công ty này đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 1/4.