|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Lo ngại đợt bùng phát COVID-19 thứ hai kìm hãm đà tăng giá dầu

22:11 | 28/06/2020
Chia sẻ
Chỉ một tuần sau khi tăng mạnh, giá dầu WTI và giá dầu Brent đã giảm trở lại trước những lo ngại về đợt bùng phát virus corona thứ hai và lượng tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng mạnh.
Giá xăng dầu tuần tới: Lo ngại đợt bùng phát COVID-19 thứ hai kìm hãm đà tăng giá dầu - Ảnh 1.

Nguồn: Reuters

Chốt phiên cuối tuần (26/6), giá dầu thô WTI giảm 52 cent, tương đương 1,3%, xuống 38,2 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 32 cent, tương đương 0,78%, xuống 40,73 USD/thùng, theo Investing.com.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI Brent giảm lần lượt 3,2% và 3%.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 1,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/6, tăng so với mức dự báo 300.000 thùng.

Về sản xuất, sản lượng dầu thô của Mỹ ước tính đạt khoảng 11 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 19/6, so với 10,5 triệu thùng/ngày trong tuần trước đó, đánh dấu là sự gia tăng đầu tiên trong sản xuất của Mỹ trong 13 tuần.

Dự trữ xăng giảm gần 1,7 triệu thùng so với kì vọng giảm 400.000 thùng trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất, chủ yếu là dầu diesel, đã tăng gần 250.000 thùng so với mức dự báo là 620.000.

Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan ở Mỹ vào cuối tuần qua, với kỉ lục 44.782 ca nhiễm mới (số liệu ngày 27/6) - ngày thứ hai liên tiếp có các ca bệnh mới vượt 40.000.

Texas, tiểu bang có số lượng nhà máy lọc dầu lớn nhất, ngày thứ 16 liên tiếp có số ca nhiễm tăng, với 5.523 bệnh nhân hiện đang được điều trị.

Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã ra lệnh đóng cửa tất cả các quán bar và hạn chế các cuộc tụ họp ngoài trời trong bối cảnh các ca nhiễm tăng vọt.

Các công ty dầu khí của Mỹ tại Texas và khu vực lân cận dự kiến mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ phục hồi về mức được thấy trước khi dịch COVID-19 xảy ra vào cuối năm sau hoặc muộn hơn.

Theo một cuộc khảo sát từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, hơn một nửa giám đốc điều hành từ 160 công ty dầu khí khác nhau cho biết họ đã nộp đơn cho ít nhất một chương trình hỗ trợ của chính phủ.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các nhà sản xuất dầu lớn bao gồm Arab Saudi và Nga sẽ bước vào thời kì suy thoái nặng nề trong năm nay khi họ phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế từ đại dịch COVID-19.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được phát hành vào tháng 4, IMF cho biết lần đầu tiên kinh tế tại tất cả các khu vực trên thế giới sẽ tăng trưởng âm vào năm 2020.

Tổ chức Năng lượng Tình báo có trụ sở tại New York đã đề xuất trong một phân tích rằng các công ty dầu khí quốc gia, từ Aramco của Arab Saudi đến Petronas của Malaysia, đang gặp khó khăn trong việc đối phó với khủng hoảng.

Bloomberg cũng báo cáo khi OPEC và các đồng minh cắt giảm thêm sản lượng dầu thô, mỏ dầu khổng lồ Johan Sverdrup của Na Uy đã tăng cường xuất khẩu.

Theo Bloomberg, khối lượng xuất khẩu của mỏ dầu này ước tính đạt kỉ lục 4,4 triệu thùng, tương đương 465.000 thùng/ngày vào tháng 8, tăng so với 429.000 thùng/ngày dự kiến vào tháng 7.

Công ty năng lượng do nhà nước kiểm soát của Na Uy Equinor ASA cam kết sẽ cắt giảm 20% sản lượng từ mỏ Johan Sverdrup vào tháng 6, khi nước này hợp tác với OPEC và đồng minh trong việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ.

Ngọc Ánh