|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu thô có thể đạt 100 USD/thùng một lần nữa?

08:19 | 26/06/2020
Chia sẻ
Giá dầu thô toàn cầu chưa chạm mức 100 USD/thùng kể từ năm 2014. Giá dầu đạt 145 USD/thùng vào năm 2008 được coi là mức giá cao nhất trong hai thập kỉ qua.

Theo trang Oilprice.com, Hơn một tuần nay giá dầu duy trì ổn định ở mức 40 USD/thùng. Đây được coi là mức tăng đáng kể sau vụ sụp đổ giá dầu lớn nhất trong lịch sử. 

Việc các quốc gia dầu mỏ như Iraq, Kazakhstan, Azerbaijan, Nigeria và Angola nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã làm tăng kì vọng về sự tái cân bằng thị trường dầu mỏ. 

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng đây mới chỉ là khởi đầu và giá dầu đã được thiết lập để tăng cao hơn nữa. 

Cụ thể, ngân hàng JPMorgan (Mỹ) dự đoán giá dầu có thể vượt qua mức 100 USD/thùng do  tình trạng cung dư có thể chuyển sang thiếu hụt dầu.

Ông Christyan Malek, người đứng đầu JPMorgan tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi dự đoán rằng giá dầu có thể tăng vọt lên 190 USD/thùng do các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng đáng kể.

Giá dầu toàn cầu chưa chạm mức 100 USD/thùng kể từ năm 2014. Giá dầu đạt 145 USD/thùng vào năm 2008 được coi là mức giá cao nhất trong hai thập kỉ qua.

Giai đoạn duy trì hoạt động

Malek dự đoán giá dầu có thể tăng vọt bởi tình trạng “thâm hụt cung-cầu lớn” có thể xảy ra vào năm 2022 và sản lượng dầu có thể đạt mức 6,6 triệu thùng/ngày vào năm 2025 nếu thi trường duy trì được đà tăng trưởng hiện tại. 

Malek không đưa ra mức giá cụ thể cho lần tăng giá này, tuy nhiên khi trả lời phỏng vấn CNN Business, ông khẳng định rằng mức giá đề xuất 190 USD/thùng của JPMorgan vẫn đang được xem xét. 

Malek cho rằng các công ty dầu mỏ cần phải mạnh tay trong chi tiêu chỉ để duy trì sản lượng.

Điều này rõ ràng khó có thể thực hiện được khi mà các khoản đầu tư ngược dòng toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống còn 383 tỉ USD trong năm nay- mức thấp nhất trong 15 năm qua.

Theo Oilprice.com, mức độ chi tiêu vốn hiện tại có khả năng tác động tiêu cực đến sản lượng, đặc biệt là nếu giá dầu vẫn ở mức hiện tại trong một vài năm nữa.

Với giá dầu gần đây đã giảm xuống mức thấp trong nhiều năm và nhu cầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà sản xuất đá phiến Mỹ đã bước vào giai đoạn cố gắng duy trì hoạt động và cắt giảm khoảng 85 tỉ USD chi phí đầu tư trong năm 2020 để bảo vệ bảng cân đối kế toán, duy trì chi trả cổ tức cho cổ đông, và bảo toàn tín dụng.

Theo EIA, nguồn cung dầu sẽ giảm hơn 45 triệu thùng/ngày nếu không đầu tư vốn vào các lĩnh vực hiện có hoặc mới được thành lập trong giai đoạn 2017-2025.

Ngay cả khi đầu tư liên tục vào các mỏ dầu hiện có nhưng không có mỏ dầu mới nào hoạt động dẫn đến sự sụt giảm gần 27,5 triệu thùng dầu/ngày.

Giả sử nhu cầu tiêu thụ dầu hậu dịch COVID-19 giảm xuống 10 triệu thùng/ngày thì chênh lệch cung-cầu vẫn ở mức cao là 17,5 triệu thùng/ngày. 

Điều này cho thấy sản lượng dầu mỏ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chi phí đầu tư duy trì ở mức hiện tại thêm 2-3 năm nữa.

Sự linh hoạt của ngành dầu đá phiến

Các nhà phân tích tin rằng sản lượng dầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu chi phí đầu tư không tăng và giá dầu thô khó có thể vượt qua mức 100 USD/thùng như ngân hàng JPMorgan đề xuất. 

Tờ Harvard Business dự đoán hai năm trước thị trường có thể đã chứng kiến sự bùng nổ cuối cùng của ngành công nghiệp dầu mỏ nhờ vào sự gia tăng dầu đá phiến Mỹ.

Các công ty dầu đá phiến nhỏ của Mỹ linh hoạt hơn so với các công ty dầu khí quốc gia (NOC) giúp họ dễ dàng đối mặt với bất kì biến động nguồn cung tạm thời nào.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu ngành đá| phiến của Mỹ có thể phục hồi từ cuộc khủng hoảng đang diễn ra như nó đã từng trong quá khứ hay không.

Sau vụ phá giá dầu năm 2015-2016, các nhà sản xuất đá phiến Mỹ đã có thể trụ vững trong cuộc chiến giá cả trước đó của Arab Saudi bằng cách giảm chi phí sản xuất khoảng 50% và lôi kéo các nhà đầu tư. 

Động thái này đã tạo ra một giai đoạn tăng trưởng mới ngoạn mục.

Tuy nhiên hiện tại các công ty đá phiến Mỹ đang ở trong giai đoạn duy trì sản xuất và đã cắt giảm 30% chi phí đầu tư trong năm nay. 

Chi phí đầu tư chưa trở lại mức trước khi giá dầu sụp đổ. Điều đó có nghĩa là các công ty dầu đá phiến Mỹ sẽ không cần phải thực hiện thêm bất kì cắt giảm nào mà không làm tổn hại đáng kể đến sản lượng.

Thậm chí các công ty còn phải chịu khoản nợ lớn và không có khả năng vay mượn.

Những người đứng đầu công ty dầu đá phiến đổ lỗi cho dịch COVID-19 và cuộc chiến giá cả giữa Arab Saudi và Nga đã gây nên tình trạng thảm hại của họ. 

Nhưng sự thật là phố Wall và các nhà đầu tư đã bắt đầu quay lưng lại với ngành công nghiệp có nhiều năm ưu tiêu tăng trưởng hơn là thu về lợi nhuận.

Mức tăng giá hợp lí

Phố Wall có thể vẫn giữ vững lập trường cho đến khi giá dầu đạt được mức tới hạn.

Cả Arab Saudi và Nga đều tỏ ra quan tâm tới sự khó khăn của ngành dầu đá phiến Mỹ với kì vọng có thể giành lại được ưu thế trên thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên chiến lược này không phải là không có rủi ro đối với cả hai bên, đặc biệt là với Arab Saudi. 

Cả hai quốc gia đều phụ thuộc rất lớn vào doanh thu từ dầu mỏ. 

Theo quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, Nga cần giá dầu ở mức 40 USD/thùng trong khi Arab Saudi cần giá dầu ở mức hơn 80 USD/thùng để bình ổn ngân sách.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ chủ yếu đổ lỗi cho Arab Saudi, chứ không phải Trump, về vụ sụp đổ giá dầu mới nhất.

Hơn nữa , sự gia tăng nhanh chóng của năng lượng tái tạo có khả năng vượt qua mức tăng dài hạn của dầu mỏ bởi lợi ích kinh tế. 

Năm ngoái, ngân hàng BNP Paribas đã trả lời phỏng vấn CNBC rằng giá dầu chỉ cần duy trì ở mức 10-20 USD/thùng để duy trì khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực di động chủ chốt.

“Với cùng một khoản vốn, khi đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo song song với xe điện, các nhà đầu tư sẽ nhận được năng suất gấp sáu đến bảy lần so với khi đầu tư vào dầu với mức giá thị trường hiện tại là 60 USD/thùng”.

Vì vậy, dự đoán về việc giá dầu có thể chạm mức 190 USD/thùng là khó có thể xảy ra.

H.Mĩ