|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kịch bản nào cho giá dầu thô?

17:29 | 23/06/2020
Chia sẻ
Giá dầu thô đã tăng lên 40 USD/thùng và được kì vọng duy trì ở mức giá đó. Các nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian ngắn tới, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Việc cắt giảm sản lượng đáng kể của OPEC+ và Mỹ cùng với nhu cầu tiêu thụ phục hồi nhanh chóng đã khiến cho nguồn cung dư giảm nhanh hơn dự kiến”, Ngân hàng Commerzbank nhận định.

Giá dầu WTI đạt mức 40 USD/thùng và giảm nhẹ trong những ngày gần đây, tuy nhiên vẫn duy trì được mức ổn định trong thời điểm này. Theo công ty Rystad Energy, 40 USD/thùng là mức giá bình thường mới.

Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu Rystad Energy cho hay: “Nguồn cung dư đang giảm dần, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những mối lo ngại về nhu cầu. Vì thế giá dầu ở mức 40-50 USD/thùng hoặc cao hơn là không hợp lí trong thời điểm này”.

“Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại các thị trường chính trên toàn cầu và nhiều người lo ngại cho rằng thế giới sẽ phải mất một thời gian dài để đối phó với hậu quả của nó”. Ông Tonhaugen cho hay.

Nhưng nhiều nhà phân tích đang đặt ra kịch bản rằng giá dầu thô có xu hướng tiếp tục tăng.

“Chúng tôi tin rằng đến năm 2021, nhu cầu vận tải có thể phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự kiến ban đầu và OPEC+ sẽ ngăn chặn được nguồn cung dư thừa lớn hơn chúng tôi dự đoán ba tháng trước”, Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch đã viết trong một báo cáo mới.

Việc giá dầu tăng nhẹ dựa vào ba yếu tố: sự phục hồi nhu cầu, sự cắt giảm nguồn cung dư thừa và sự gắn bó của OPEC+ với quản lí thị trường. 

Ngân hàng Mỹ ước tính lượng dầu dư thừa trong nửa đầu năm 2020 là 11 triệu thùng/ngày. 

Tuy nhiên trong những tháng còn lại, lượng dầu thừa này sẽ giảm thêm 2,5 triệu thùng/ ngày.

Trong suốt 15 năm qua, giá dầu Brent ở dưới ngưỡng 50 USD/thùng một lần duy nhất vào năm 2016. Ngân hàng Mỹ (BOA) tin rằng giá dầu sẽ quay trở lại mức 50 USD/thùng trong năm 2021.

Ngành dầu đá phiến Mỹ có thể sẽ phải “chật vật” để khôi phục lại thời kì hoàng kim trước đây. Mặc dù Mỹ đã mở lại các mỏ dầu đã ngừng hoạt động, nhưng sản lượng vẫn tiếp tục giảm.

Số lượng giàn khoan của Mỹ đã giảm 10 giàn trong tuần trước, xuống còn 189 giàn, giảm khoảng 3/4 kể từ tháng 3. 

“Cú đánh” vào nguồn cung không chỉ tập trung vào ngành dầu đá phiến Mỹ.

“Chi phí vốn toàn cầu năm 2020 cũng giảm xuống còn 240 tỉ USD so với mức 322 tỉ USD trong năm 2019. Chúng tôi không kì vọng nhiều rằng năm 2021 thị trường sẽ phục hồi”, BOA nhận định. 

Trong khi đó, ngân hàng đầu tư này chỉ ra rằng giá dầu tăng nhờ vào nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc phục hồi nhanh chóng, mặc dù nhu cầu nhiên liệu ở ngành hàng không vẫn ở mức thấp.

Nếu OPEC+ kiến quyết cắt giảm sản lượng và nhu cầu tiếp tục hồi phục, thì giá dầu Brent có thể tăng lên mức 60 USD/thùng vào năm sau.

Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều rủi ro gây biến động giá cả, bao gồm nguy cơ về làn sóng COVID-19 thứ hai ở một số nước và các ca nhiễm COVID-19 đang tăng nhanh trên toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ và Brazil. 

Dịch COVID-19 càng lan rộng thì nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu càng mất nhiều thời gian để hồi phục. Tuy nhiên rất ít quốc gia lên kế hoạch tiến hành các đợt phong tỏa lần nữa. 

Một vấn đề khác là các nhà máy lọc dầu không nhìn thấy tín hiệu tích cực trong thị trường dầu mỏ. 

Lợi nhuận thấp khiến các nhà máy phải cắt giảm sản lượng ở Châu Âu và Trung Quốc dẫn đến sức mua kém, kéo theo giá dầu giảm. 

H.Mĩ