|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường dầu mỏ tăng trưởng mạnh: Sự hồi phục thần kì từ mức giá âm

17:51 | 22/06/2020
Chia sẻ
Sự hồi phục giá dầu thô đã phản ánh giai đoạn nóng nhất trong lịch sử ngành dầu mỏ.

Theo Bloomberg, cứ 16h00 hàng ngày, các thương nhân lại tập trung ở London để mua bán dầu Biển Bắc trong vòng nửa giờ đồng hồ. Trong ngành dầu mỏ có một thuật ngữ là “Cửa Sổ”, dùng để chỉ nơi mà sự cạnh tranh giữa các thế lực lớn nhất trong ngành dầu mỏ quyết định giá dầu.

Vào tháng 4, mọi thương nhân đều muốn bán dầu và hiếm có người muốn mua. Còn hiện nay, thị trường dầu mỏ đang trở lại nhanh chóng khi số người mua đang nhiều hơn người bán gấp 10 lần, đẩy giá lên cao.

Sự hồi phục này đã phản ánh giai đoạn nóng nhất trong lịch sử ngành dầu mỏ.

Trước hết, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu dầu mỏ tại Trung Quốc tan biến và làm cho liên minh giữa Moscow và Riyadh đổ vỡ.

Tiếp theo đó, dịch bệnh lan ra trên qui mô toàn cầu cộng với chiến tranh giá giữa Nga và Arab Saudi gần như đã hủy hoại thị trường dầu mỏ.

Sự thê thảm của thị trường này đã khiến cho cả hai bên phải chung tay hành động với thỏa thuận cắt giảm sản lượng lớn chưa từng thấy, ngay khi tình hình dịch bệnh đang dần được xoa dịu.

Thị trường dầu mỏ tăng trưởng mạnh: Sự hồi phục thần kì từ mức giá âm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg

Bước ngoặt

Sự trỗi dậy của thị trường dầu thô đang là động lực cho các hợp đồng dầu thô lớn ở các sàn giao dịch tại London và New York.

Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao trong tương lai tăng lên mức trên 40 USD/thùng vào thứ Sáu (19/6), đối lập hoàn toàn so với mức giá âm vào tháng 4.

Giá dầu thô Brent cũng đã có những biến động. Các nhà tinh chế dầu thô đang sẵn sàng chi ra nhiều tiền để đảm bảo nguồn cung cho doanh nghiệp của họ, điều mà cách đây khoảng 2 tháng họ sẽ không làm.

Ông Marco Dunand, đồng sáng lập công ty mua bán dầu Mercuria Energy Group, cho biết: “Nhu cầu đang dần tăng lên mỗi tuần.”

Theo một nguồn tin chính thức, tại Trung Quốc, lượng tiêu thụ dầu đã quay trở lại mức trước khi bùng phát dịch bệnh. Tình hình vẫn còn khá ảm đạm tại các quốc gia hứng chịu ảnh hưởng nặng về như Italy và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, như cầu dầu đang hồi phục nhanh chóng tại Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp và Đức.

Nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới giảm khoảng 30% vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 khi các chính phủ tuyên bố áp dụng các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại.

Tốc độ phục hồi của ngành dầu còn cần thêm thời gian để tính toán, nhưng phần lớn các chuyên gia cho rằng lượng tiêu thụ dầu hiện nay đang thấp hơn so với mức bình thường khoảng 10 - 15%.

Ông Giovanni Serio, trưởng phòng kinh tế tại Vitol Group nhận định: “Dự báo ngắn hạn của chúng tôi cho thấy một sự phục hồi đầy lạc quan so với tháng 4.”

Vitol tính toàn rằng như cầu về dầu đang tăng lên khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong các tuần của tháng 6, tương đương với lượng tiêu thụ của toàn nước Anh.

Những dấu hiệu lạc quan đầu tiên

Giá xăng tăng khi người dân muốn lái xe riêng và tránh các phương tiện công cộng. Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, giá nhiêu liệu giao ngay cao hơn giá trong các hợp đồng kì hạn. Đó là dấu hiệu của nhu cầu tăng mạnh.

Ông Chris Midgley, trưởng bộ phân phân tích tại S&P Global Platts dự báo giá xăng sẽ hồi phục theo đồ thị hình chữ V.

Tuy vậy, dầu diesel, một loại nhiên liệu quan trong trong sản xuất công nghiệp, đang suy yếu cùng với nền kinh tế thế giới. Nhu cầu về nhiên liệu máy bay vẫn thấp như thời kì dịch bệnh đạt đỉnh.

Lượng tiêu thụ dầu không nhất thiết phải hồi phục quá nhanh, miễn là Arab Saudi, Nga và các thành viên còn lại của OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng. Tổ chức này đã cắt khoảng 1/10 lượng cung ra thị trường, trong khi sản lượng của Mỹ và Canada cũng giảm mạnh.

Dịch bệnh tái bùng phát - Thị trường tiếp tục mối lo mới

The Reuters, giá dầu vào thứ Hai (22/6) đã giảm khi mối lo ngại về số ca nhiễm kỉ lục trên thế giới sẽ cản trở nhu cầu về nguyên liệu. Mối lo ngại này đã lấn át cả mức cắt giảm kỉ lục của các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới.

Giá hợp đồng kì hạn của dầu Brent giảm 10 cent, tương đương với 0,2% xuống còn 42,04 USD/thùng vào 6h55 ngày 22/6 theo giờ Mỹ. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 11 cent xuống còn 39,72 USD/thùng. Giá các hợp đồng kì hạn trên đều tăng 9% vào tuần trước

Tại Mỹ và Canada, số lượng giàn khoan còn hoạt động tụt xuống mức thấp kỉ lục vào tuần trước, ngay cả khi giá tăng đã khiến một số nhà sản xuất làm việc trở lại.

Nhóm OPEC+ cũng đang cân nhắc gia hạn thời gian giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 8.

Theo Bloomberg, thị trường chưa hoàn toàn thoát khỏi hiểm nguy. Ở một số quốc gia, đợt dịch đầu tiên vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, trong khi Trung Quốc đang gồng mình ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát tại Bắc Kinh.

Sự hồi phục thiếu ổn định của dầu mỏ phản ánh sức ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên đời sống thường nhật.

H.Mĩ