|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Founder mắm Lê Gia: Nhiều khi lấy công làm lãi, tiền bạc chẳng bằng môi giới bất động sản

07:13 | 15/11/2021
Chia sẻ
"Nếu được về tiền bạc thì chẳng có, nhiều khi lấy công làm lãi hoặc chẳng bằng anh môi giới bất động sản. Mình cảm thấy may mắn vì vẫn đang sống sót và cảm thấy mình có ích", ông Lê Anh trải lòng.

Mới đây, trên trang cá nhân, CEO Founder công ty TNHH nước mắm Lê Gia, ông Lê Ngọc Anh (Lê Anh) đã có những chia sẻ về chuyện khởi nghiệp cũng như hành trình chinh phục các vị cá mập tại Shark Tank Việt Nam mùa 2.

Theo chia sẻ, ở thời điểm gọi vốn tại Thương Vụ Bạc Tỷ (2018), startup của ông Lê Anh thực sự rất cần tiền: "Thời điểm khởi nghiệp, trứng nước, bao nhiêu vốn liếng, vay mượn dồn hết cho sản xuất, miệt mài làm thị trường, cạn tiền, mông lung về tương lai. Đang rất cần phao, muốn tìm người đồng hành để nuôi dưỡng khát vọng phát triển thương hiệu và nghề truyền thống."

Ông Lê Anh cho biết hai vợ chồng khi đó khăn gói vào TP HCM để gọi vốn nhưng chỉ đủ tiền mua vé và thuê phòng trọ bình dân để ở. "Mình cũng chả có chuẩn bị gì để trang trí cho hấp dẫn. Đến nơi chương trình đề xuất trang phục nhưng cũng chỉ có áo sơ mi và đôi giày mua ở vỉa hè (lúc đi thì đi dép quai hậu). Cũng chẳng dám chi tiêu gì", ông Lê Anh cho biết.

Founder mắm Lê Gia trải lòng về hành trình khởi nghiệp: Nhiều khi lấy công làm lãi, tiền bạc chẳng bằng anh môi giới bất động sản.   - Ảnh 1.

Vợ chồng CEO Founder mắm Lê Gia đến gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam năm 2018. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Thần thái gọi vốn kém đi vì đói tụt huyết áp

Theo nhà sáng lập mắm Lê Gia, những gì khán giả nhìn thấy trong các màn gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam là hình ảnh đã được chọn lọc và biên tập theo ý nhà sản xuất. Màn gọi vốn thực tế khác xa rất nhiều, ông Lê Anh chia sẻ bản thân phải thuyết trình qua buổi trưa. "Đói quá tụt huyết áp nên khi deal thần thái cũng kém", Founder mắm Lê Gia trải lòng.

Nhìn lại lần gọi vốn trên sóng Shark Tank Việt Nam, ông Lê Anh tự nhận là "thảm hại". Cụ thể, nhà sáng lập mắm Lê Gia thừa nhận thời điểm đó startup của ông cần tiền để tiếp tục hành trình nhưng bức tranh tài chính của công ty không được sáng sủa và ngành sản xuất nước mắm không tạo ra sức hút với nhà đầu tư.

"Các shark thường phủ đầu nên (tôi) trình bày không được nhiều. Kỹ thuật để tạo drama, sức hút của bọn mình cũng kém nên các shark cũng ít hào hứng", ông Lê Anh thừa nhận, thậm chí ông không dám xem lại màn gọi vốn lần hai vì nó quá tệ.

Biết đặc thù ngành có nhiều cái khó nên dù đã chia sẻ rất rõ về các chỉ số tài chính nhưng ông Lê Anh vẫn phải đành bất lực vì ở thời điểm đó, các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến tính an toàn vốn và khả năng sinh lời

"Ví dụ, nếu định giá theo sổ sách (tổng tài sản trừ nợ phải trả) thì thua hoặc nếu định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (bằng lợi nhuận tin cậy trung bình chia cho chi phí sử dụng vốn) thì lợi nhuận mỏng như tờ giấy nên là cũng khoai", CEO mắm Lê Gia nói về cái khó của startup khi gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam.

"Rất cố gắng để chia sẻ về kế hoạch phát triển, mong muốn gìn giữ và lan tỏa văn hóa ẩm thực, kết nối chuỗi giá trị các thành phần yếu thế trong xã hội (ngư dân, diêm dân, bà con bãi ngang ven biển…) nhưng các shark cũng không quan tâm mấy", ông Lê Anh cho biết.

Từ chối đầu tư sau khi Due Dilligence vì không muốn gượng ép nhau

Sau chương trình, người của các shark đến kiểm tra sổ sách, tình trạng công ty, kiểm đếm từng hàng tồn kho trong nhà xưởng… và xác nhận là những thông số mà CEO Lê Gia nói trên truyền hình hoàn toàn đúng.

Tuy vậy, điều đáng tiếc là người thẩm định của shark có chia sẻ rằng ngành nói chung và công ty nói riêng không có nhiều cơ hội và cũng không hấp dẫn. "Mình hiểu điều đó nên mình chủ động email cho các shark là không nhận đầu tư. Bởi vì dù thực rất cần nguồn lực nhưng cũng giống hôn nhân, nếu gượng ép và hai bên không hợp nhau thì sớm muộn cũng ly dị", CEO Lê Gia chia sẻ.

Theo ông Lê Anh,  ông không sợ mất đầu tư mà nỗi sợ lớn nhất chính là sợ mất đi bản chất sản xuất truyền thống, an lành, tự nhiên để rồi chạy theo định hướng công nghiệp, nhanh của các shark. Trước khi tìm đến Shark Tank, Lê Gia đã từng gõ cửa nhiều nơi để gọi vốn, tìm thêm cộng sự và nguồn lực nhưng kết quả không khác với Shark Tank là bao.

"Cũng không trách họ được, vì đặc thù nghề truyền thống là vất vả, rủi ro và không hấp dẫn. Cũng khá buồn vì công sức bỏ ra cũng khá nhiều, nhưng cũng phải xác định lại tinh thần.Thôi thì có gì mình làm đấy, cứ cố gắng rồi hy vọng vào tương lai đỡ hơn", nhà sáng lập Lê Gia bày tỏ.

Trải lòng về quá trình khởi nghiệp ngành nước mắm truyền thống, ông Lê Anh thừa nhận chuyện kinh doanh hay khởi nghiệp đều khó tránh khỏi thất bại, mất mát. Tuy nhiên, điều quan trọng là bản thân startup vẫn tồn tại và tạo ra công việc cho người khác.

"Nếu được về tiền bạc thì chẳng có, nhiều khi lấy công làm lãi hoặc chẳng bằng anh môi giới bất động sản. Mình cảm thấy may mắn vì vẫn đang sống sót và cảm thấy mình có ích vì vẫn tạo ra một nơi để hơn 30 con người (và gia đình họ phía sau) vẫn vui vẻ làm việc và hơn hết là có một công việc và được làm việc mình thích", ông Lê Anh chia sẻ.

Xuất phát từ những nhu cầu thực tế của nước mắm trong bữa ăn, anh kỹ sư xây dựng Lê Anh quyết định bỏ công việc có mức lương nghìn USD để sáng lập thương hiệu nước mắm Lê Gia. Khi đó ông còn là thành viên trẻ nhất của Ban vận động Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam. Vào năm 2018, Lê Gia đã đạt thỏa thuận trên sóng truyền hình với Shark Phú cho khoản vay 4 tỷ đồng, lãi suất 15% và chuyển đổi thành 24% cổ phần sau 4 năm nếu đạt KPI.

Thùy Trang