Forbes: Tại sao Việt Nam cần tới 6 hãng hàng không?
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tăng trưởng hành khách trong năm ngoái và năm nay ước đạt 16%. Kế hoạch đặt ra đến năm 2020, lưu lượng hành khách qua các cảng hàng không là 131 triệu lượt và đến năm 2030 là 280 triệu lượt.
Tạp chí Forbes dẫn lời ông Michael Lynch, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán – Khách hàng tổ chức của CTCP Chứng khoán SSI nhận định: "Máy bay chật khách hết cả. Tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh ngày nào cũng kín chỗ. Các hãng hàng không mới vừa được thành lập là khách ùn ùn kéo tới".
Hãng hàng không non trẻ nhất của Việt Nam là Bamboo Airways bắt đầu khai thác thương mại từ ngày 16/1 năm nay. Tính đến tháng 11, tỉ lệ lấp đầy ghế của hãng là khoảng 90%.
Từ chỗ chỉ được khai thác tối đa 10 tàu bay, Bamboo hiện nay đã có đội bay 18 chiếc và hướng đến mục tiêu 30 chiếc trong năm 2019 này, bao gồm cả các dòng thân hẹp như A321 hay thân rộng như Boeing 787-9.
Bamboo Airways bắt đầu bay thương mại từ ngày 16/1 năm nay. Ảnh: Đức Quyền.
Tàu bay đưa đón nhà đầu tư ngoại đến Việt Nam
Theo Forbes, một trong những nhân tố hỗ trợ sự tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam là nhu cầu di chuyển phục vụ công tác của doanh nhân ngoại quốc.
Việt Nam đang thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào khu vực sản xuất có chi phí thấp. Hoạt động này đòi hỏi đại diện doanh nghiệp nước ngoài phải tới thăm nhà máy tại Việt Nam, đi tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu và họp bàn với các nhân viên sở tại.
Ngành hàng không trên khắp châu Á đều đang nở rộ nhờ vào tăng trưởng kinh tế cao và sự phổ biến của mô hình hàng không giá rẻ. Tuy nhiên tăng trưởng của hàng không Việt Nam trong năm 2017 lại cao gấp hơn hai lần trung bình toàn châu lục.
Cụ thể, theo hãng tư vấn Dezan Shira & Associates, năm 2017 Việt Nam vận chuyển 94 triệu lượt hành khách bằng máy bay, bao gồm 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16% so với năm 2016.
Lao động giá rẻ đã thu hút các nhà đầu tư từ nhiều nước châu Á phát triển tới Việt Nam để sản xuất đồ nội thất, linh kiện ô tô, đồ điện tử, … Chính dòng vốn đầu tư nước ngoài đã giúp Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 6-7% mỗi năm.
Nhà đầu tư nước ngoài, cùng với nhân viên, đối tác, nhà cung ứng của họ cũng tích cực di chuyển bằng đường hàng không, tạo điều kiện cho ngành này phát triển.
Bùng nổ nhu cầu du lịch
Theo Forbes, khách du lịch Việt Nam có thể đến 10 quốc gia khác trong khu vực ASEAN mà không cần xin thị thực (visa), điều này cũng đang góp phần vào sự bùng nổ của các hãng bay.
Khách du lịch nước ngoài thì đi theo tour đến Việt Nam để tham quan những kiến trúc do Pháp xây dựng thời kì trước 1945, ngắm nhìn cảnh núi non hùng vĩ, bờ biển tuyệt đẹp và cả những di tích chiến tranh.
Năm ngoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 15,5 triệu lượt, cao hơn khoảng 20% so với năm 2017.
Ông Rajiv Biswas, Kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của hãng nghiên cứu thị trường IHS Market nhận định: "Sự kết hợp giữa khách công tác và khách du lịch giúp Việt Nam trở thành vùng đất màu mỡ cho ngành hàng không tăng trưởng".
Ông Mike Lynch từ Chứng khoán SSI cho rằng hành khách Việt Nam có động lực đi máy bay do các hãng đang hạ giá vé và tung chương trình khuyến mại để cạnh tranh với nhau. Ông nói thêm: Khách du lịch thường đi theo kiểu cả gia đình, do vậy mà máy bay thường kín chỗ.
Chưa kể, tầng lớp trung lưu và trên trung lưu vẫn không ngừng tăng trưởng. Hãng nghiên cứu Boston Consulting Group dự báo đến năm 2030, khoảng 16% dân số Việt Nam sẽ được coi là giàu có, tăng mạnh so với con số 5% của năm 2018.
Hạ tầng hàng không đang quá tải. Hành khách đi từ trung tầm kinh tế phía Nam là TP Hồ Chí Minh ra thủ đô Hà Nội gần như chắc chắn sẽ phải lên một chiếc xe bus chật cứng để đi từ nhà ga đón khách đến tàu bay rồi bước lên một cầu thang di động để vào khoang hành khách.
Sân bay không có đủ hạ tầng để đậu tất cả tàu bay ở các cửa lên cố định. Ông Mike Lynch đến từ SSI nói: "Các sân bay phục vụ không xuể, ngày càng có nhiều hãng hàng không đến khai thác".
Bộ Giao thông vận tải đã lên kế hoạch chi 3,7 tỉ USD đến năm 2020 và 15,4 tỉ USD đến năm 2030 để phát triển 28 sân bay với công suất thiết kế 308 triệu hành khách và 7,5 triệu tấn hàng hóa.
Hãng hàng không nào sẽ ra đời tiếp theo?
Ông Brendan Sobie - chuyên gia phân tích hàng không tại Trung tâm Hàng không Châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) cho rằng sẽ đến lúc các hãng bay phải đối diện với tình trạng tăng trưởng hành khách chậm lại. Tình hình này "chắc chắn sẽ dẫn tới một số điều chỉnh nhất định", ông Sobie nói.
Tuy nhiên hiện nay đội bay Việt Nam vẫn đang tăng trưởng, các tay chơi lớn bao gồm:
Hãng hàng không truyền thống (full-service) thuộc sở hữu nhà nước Vietnam Airlines được thành lập năm 1956 và sở hữu khoảng 40% thị phần, có đường bay đến 17 quốc gia khác.
Vietnam Airlines còn sở hữu hãng bay khu vực VASCO và 70% cổ phần của hãng giá rẻ Jetstar Pacific. Năm 2018, Vietnam Airlines đạt lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 2.600 tỉ đồng.
Thị phần các hãng hàng không Việt Nam:Vietnam Airlines (VNA), Vietjet Air (VJC), Vasco, Jetstar Pacific Airlines (JPA) và Bamboo Airways. Nguồn: BVSC.
Đối thủ cạnh tranh chính của Vietnam Airlines là hãng bay giá rẻ Vietjet Air, bắt đầu cất cánh từ năm 2011. Hiện nay Vietjet tuyên bố đang nắm 45% thị phần hành khách nội địa nhờ khai thác khoảng 400 chuyến bay mỗi ngày.
Tính đến đầu tháng 11, Vietjet cho biết đã phục vụ tổng cộng 100 triệu hành khách. Thế mạnh chủ yếu của Vietjet là giá vé rẻ và đội tàu bay tương đối trẻ.
Hãng bay mới nhất trên bầu trời Việt là Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC. Bamboo Airways bay thương mại chuyến đầu tiên ngày 16/1 năm nay và định vị trở thành một hãng hàng không "hybrid", kết hợp giữa giá vé hợp lí và chất lượng cao.
Tập đoàn Vingroup - doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam kinh doanh mọi thứ từ điện thoại, bất động sản đến trường đại học - cũng đang hoàn tất thủ tục thành lập hãng hãng không Vinpearl Air của mình.
Forbes dẫn lời một đại diện truyền thông của Vingroup cho biết tập đoàn này vừa mở một trường đào tạo phi công và kĩ thuật viên máy bay. Theo kế hoạch Vinpearl Air sẽ cất cánh trong năm 2020.