|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nghị định mới về hàng không: Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi?

15:57 | 22/11/2019
Chia sẻ
Nghị định mới trong lĩnh vực hàng không được đánh giá là có tác động tích cực tới nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả hãng bay lẫn cảng hàng không.

HVN ACV

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Song Ngọc.

Ngày 15/11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2019/NĐ-CP với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của hai văn bản quản lí lĩnh vực hàng không trước đây là Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP. Nghị định mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. 

Một số sửa đổi đáng chú ý trong nghị định lần này bao gồm:

Thứ nhất, room nước ngoài tại các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không sẽ được nâng lên thành 34% từ mức 30% hiện nay.

Thứ hai, nghị định mới không yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác các tuyến quốc tế phải có vốn điều lệ cao hơn doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không chỉ khai thác các tuyến nội địa. Theo đó, yêu cầu về vốn sẽ chỉ phụ thuộc vào qui mô đội tàu bay:

Yêu cầu vốn tối thiểu 

theo qui mô đội bay

Qui định hiện nay

Qui định mới

(hiệu lực từ 1/1/2020)

Đến 10 tàu bay

300 tỉ đồng nếu chỉ bay nội địa; 

700 tỉ đồng nếu bay cả quốc tế

300 tỉ đồng

11 – 30 tàu bay

600 tỉ đồng nếu chỉ bay nội địa, 

1.000 tỉ đồng nếu bay cả quốc tế

600 tỉ đồng

Trên 30 tàu bay

700 tỉ đồng nếu chỉ bay nội địa, 

1.300 tỉ đồng nếu bay cả quốc tế

700 tỉ đồng

Hãng hàng không: Thêm cơ hội tăng vốn, giảm rào cản gia nhập 

Đánh giá về những thay đổi trên, CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng qui định mới giảm bớt yêu cầu vốn tối thiểu sẽ hạ thấp rào cản gia nhập ngành hàng không và do vậy có thể làm mức độ cạnh tranh gia tăng. Hiện tại có ba hãng hàng không đang chờ giấy phép hoạt động gồm Vinpearl Air, Vietravel Airlines và Kite Air.

Sau khi Nghị định 89 có hiệu lực từ đầu năm 2020, có thể sẽ có thêm các doanh nghiệp khác đăng kí kinh doanh vận chuyển hàng không. Các hãng bay Việt đã được cấp phép đều có vốn điều lệ cao hơn nhiều số vốn pháp định tối đa của qui định mới (700 tỉ đồng).

Về qui định nới room ngoại, HSC đánh giá đây là thay đổi có lợi cho các hãng hàng không hiện hữu vì những doanh nghiệp này có thể tăng vốn để mở rộng hoạt động.

HSC cho rằng Vietjet Air sẽ là doanh nghiệp đầu tiên có thể đạt mức room ngoại mới vì theo thông tin của HSC, hãng bay giá rẻ của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược vào khoảng năm 2020.

Các hãng hàng không khác đang hoạt động tại Việt Nam bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Bamboo Airways.

Vietnam Airlines hiện do Nhà nước nắm giữ 86,19% vốn, cổ đông ngoại chiến lược ANA Holdings (Nhật Bản) sở hữu 8,77%, các cổ đông khác sở hữu 5,04% còn lại. Nhà nước đang có chủ trương thoái vốn tại Vietnam Airlines xuống còn 51%, tức là Nhà nước (thông qua Siêu Ủy ban) sẽ bán khoảng 35% số vốn.

Trừ đi số 8,77% do ANA Holdings đang nắm giữ, theo qui định mới nhà đầu tư ngoại sẽ có thể mua tối đa hơn 25% vốn của Vietnam Airlines, tương đương khoảng 358 triệu cổ phiếu HVN.

cc-hvn-15569390805891463827783

Cơ cấu cổ đông của Vietnam Airlines hiện nay. Nguồn: Song Ngọc, bản cáo bạch niêm yết của Vietnam Airlines.

Jetstar Pacific đang do hãng bay ngoại Qantas Airways (Australia) sở hữu tối đa 30% theo qui định hiện hành. Theo qui định mới, Qantas có thể nâng tỉ lệ sở hữu tại Jetstar lên 34%.

Bamboo Airways có vốn điều lệ theo giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cấp ngày 11/9/2019 là 1.300 tỉ đồng nhưng vốn điều lệ theo giấy đăng kí kinh doanh cấp đổi gần nhất ngày 18/10 vừa qua là 4.050 tỉ đồng.

Công ty mẹ của Bamboo Airways là Tập đoàn FLC đang có kế hoạch đưa hãng bay này lên thị trường chứng khoán để thực hiện IPO với mục tiêu nâng qui mô vốn lên trên 6.000 tỉ đồng. Qui định nới room ngoại lên 34% sẽ giúp Bamboo Airways rộng đường thu hút đối tác nước ngoài hơn.

Doanh nghiệp cảng hàng không: Giữ nguyên room ngoại, hạ yêu cầu vốn tối thiểu

Theo nghị định mới, doanh nghiệp không cần có chấp thuận về mặt nguyên tắc của Bộ Giao thông Vận tải trong trường hợp thành lập doanh nghiệp cảng hàng không hoặc chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp cảng hàng không cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp cảng hàng không là 100 tỉ đồng đối với cảng hàng không quốc tế và nội địa; còn trong qui định trước đây mức vốn tối thiểu là 100 tỉ đồng đối với cảng hàng không nội địa và 200 tỉ đồng đối với cảng hàng không quốc tế.

Qui định còn lại về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh cảng hàng không giữ nguyên: tỉ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ.

Chứng khoán HSC đánh giá nghị định mới sẽ đơn giản hóa qui trình mua cổ phần tại các cảng hàng không tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, HSC cho rằng việc giữ nguyên room của nhà đầu tư nước ngoài là 30% đối với doanh nghiệp cảng hàng không là thông tin tích cực đối với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) vì trước đây nhà đầu tư lo ngại rủi ro mua lại cổ phiếu được nắm giữ bởi nhà đầu tư không phải nhà nước tại ACV.

Hiện có 4 doanh nghiệp cảng hàng không tại Việt Nam gồm ACV và ba doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết là Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh và Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn.

Song Ngọc

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.