|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC lỗ 465 tỷ đồng trong quý I, tổng tài sản vẫn tăng hơn 1.700 tỷ nhờ đâu?

08:28 | 01/05/2022
Chia sẻ
Tập đoàn FLC gia tăng quy mô tổng tài sản trong quý I/2022 nhờ nâng giá trị vay ngắn hạn và các khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 mới được công bố, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.085 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá vốn hàng bán cũng đi xuống nhưng không nhanh bằng tốc độ giảm của doanh thu. Vì vậy, FLC lỗ gộp 14,3 tỷ USD trong quý vừa qua, trái ngược với khoản lãi gộp gần 108 tỷ đồng trong quý I/2021.

Chi phí tài chính vọt lên 161 tỷ đồng, gấp gần ba lần cùng kỳ, chủ yếu do tăng chi phí lãi vay và dự phòng các khoản đầu tư. Ngoài ra, FLC còn chịu lỗ 265 tỷ đồng vì khoản đầu tư trong các công ty liên doanh - liên kết, trong khi quý I năm ngoái khoản mục này có lãi gần 18 tỷ.

Sau khi trừ đi các loại chi phí khác, FLC thông báo lỗ sau thuế 465 tỷ đồng, trái với khoản lãi gần 43 tỷ cùng kỳ. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là quý thua lỗ thứ 3 của FLC kể từ đầu dịch COVID-19.

FLC lỗ thuần 465 tỷ đồng trong quý I/2022.

Báo cáo giải trình của FLC cho biết: Doanh thu và giá vốn quý I năm 2022 giảm lần lượt 58% và 54% so với cùng kỳ năm trước do tập đoàn thu hẹp mảng kinh doanh thương mại. Hơn nữa, doanh thu bất động sản cũng giảm do dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên cả nước, làm hạn chế nhân công trực tiếp thi công tại các công trình để bàn giao.

Kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng cũng sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chi phí tài chính quý I tăng 185% so với cùng kỳ năm trước do tăng các khoản trích lập dự phòng đầu tư.

Tại ngày 31/3 năm nay, Tập đoàn FLC có 14 công ty con và hai công ty liên doanh – liên kết là Công ty TNHH Thương mại và Nhân lực Quốc tế FLC và Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Tại Thương mại và Nhân lực Quốc tế FLC, tập đoàn đang góp vốn 47 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 47% và nhận phần chia lỗ 3,57 tỷ đồng.

Tại Bamboo Airways, FLC đang góp vốn 4.015 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 21,7% và nhận phần chia lỗ 651 tỷ đồng.

Đông cơ tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways. (Ảnh: Đức Quyền).

Cũng tại ngày cuối quý I, FLC đang đầu tư vào ba mã chứng khoán là AMD của Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD), CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI) và KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS.

Trong đó, khoản đầu tư vào Nông dược HAI có giá trị lớn nhất là gần 261 tỷ đồng. Do giá cổ phiếu HAI tụt dốc nên Tập đoàn FLC phải trích lập dự phòng 143 tỷ đồng tại ngày 31/3/2022, cao gần gấp đôi mức dự phòng 73,7 tỷ đồng tại ngày đầu năm.

Cổ phiếu Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp liên quan đều giảm sâu trong những tháng đầu năm 2022.

Trong ba phiên giao dịch liên tiếp 15, 18 và 19/4, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS đã bán giải chấp hơn 8 triệu cổ phiếu HAI từ tài khoản của Tập đoàn FLC. Sau giao dịch, Tập đoàn FLC giảm tỷ lệ sở hữu tại Nông dược HAI từ 12,65% còn 8,26%, tương ứng từ hơn 23,1 triệu còn 15,1 triệu cổ phiếu HAI.

Trong cả ba phiên 15, 18 và 19/4 nói trên, cổ phiếu HAI đều giảm kịch biên độ, dư bán giá sàn. Tính theo thị giá trong từng phiên, Chứng khoán BOS đã thu được tổng cộng 35 tỷ đồng từ việc bán giải chấp cổ phiếu từ tài khoản của Tập đoàn FLC. 

Bà Bùi Hải Huyền, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cũng là Thành viên HĐQT của Nông dược HAI. 

Sau khi Chứng khoán BOS dừng bán giải chấp, HAI giảm sàn thêm hai phiên nữa rồi chuyển sang tăng 6 phiên liên tiếp, bao gồm hai phiên kịch trần. Phiên gần đây nhất 29/4, cổ phiếu HAI bật tăng 6,28% và đóng cửa ở 4.570 đồng/cp.

Tổng tài sản vẫn tăng 1.700 tỷ trong ba tháng

Kết quả kinh doanh thua lỗ của quý I là nguyên nhân chính khiến cho giá trị vốn chủ sở hữu của FLC giảm từ 9.723 tỷ vào ngày đầu năm xuống còn 9.354 tỷ tại ngày cuối tháng 3.

Tuy nhiên, nợ phải trả tăng thêm gần 2.100 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn (+1.207 tỷ) và vay ngắn hạn (+1.169 tỷ).

Nợ dài hạn tăng 239 tỷ, đa phần do khoản phải trả dài hạn đi lên. Giá trị vay dài hạn gần như không đổi trong quý I/2022.

Do nợ phải trả tăng mạnh hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu nên tổng tài sản và tổng nguồn vốn của FLC tại ngày 31/3 cao hơn 1.709 tỷ so với ngày đầu năm.

Các chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC vào ngày cuối quý I là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Việt Nam (Sacombank – Mã: STB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID), như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Ngoài ra, FLC còn vay một số nhà băng khác như Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), …

Bao gồm những tổ chức cho vay và thuê tài chính ngắn hạn cũng như dài hạn.

Tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản ngày cuối quý I là 73,65%, cao hơn mức 71,22% ngày đầu năm 2022.

Đức Quyền - Song Ngọc