Fitch Ratings: Kinh tế Việt Nam vượt trội so với các thị trường cận biên của châu Á
Việt Nam là một trong số 4 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà Fitch kì vọng sẽ có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Bất chấp tác động của COVID-19 lên du lịch và nhu cầu xuất khẩu, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 0,36% trong quí II/2020, phù hợp với dự báo tăng trưởng cả năm 2,8% của Fitch.
Fitch dự đoán kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2021 nhờ vào nhu cầu bên ngoài hồi phục, bao gồm cả ngành du lịch.
Việt Nam có đà tăng trưởng tốt một phần lớn là nhờ vào thành công trong việc kiểm soát COVID-19. Tính đến ngày 6/7, Việt Nam vẫn chưa có ca tử vong nào vì COVID-19. Thành tích này phản ánh hàng loạt các yếu tố, bao gồm sự hiệu quả của chính sách y tế đối phó với đại dịch.
Việt Nam đã tung ra gói kích thích tài khóa khoảng 271.000 tỉ đồng, tương đương 3,4% GDP nhằm bù đắp tác động của đại dịch. Các biện pháp chính phủ thực hiện bao gồm cắt giảm thuế và chi trả tiền hỗ trợ cho người dân theo gói an sinh xã hội 62.000 tỉ.
Fitch ước tính tỉ lệ nợ chính phủ trên GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 37% trong năm 2019 lên 42% trong năm 2020. Con số này vẫn thấp hơn mức trung vị 59% trong số các quốc gia được xếp hạng BB.
Song song với các ưu điểm kinh tế và thành tích chống dịch, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm rủi ro nợ tiềm tàng từ doanh nghiệp nhà nước và điểm yếu trong cơ cấu của ngành ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng môi trường lãi suất thấp và những nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền sẽ đè nặng lên khả năng sinh lợi của ngân hàng.
Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế chậm lại và việc gia hạn nợ cho người vay sẽ làm tăng thêm các vấn đề về chất lượng tài sản. Những yếu tố này sẽ làm trầm trọng thêm điểm yếu trong cấu trúc ngành ngân hàng, ví dụ như bộ đệm vốn "mỏng" và báo cáo không đầy đủ về các khoản vay có vấn đề. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chậm lại có thể sẽ giảm bớt áp lực về vốn.
Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của nhu cầu bên ngoài. Việt Nam được hưởng lợi nhờ vào chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và dữ liệu sớm cho thấy ngành thương mại nước ta cũng có bước tiến trong bối cảnh xuất khẩu của Trung Quốc bị gián đoạn bởi đại dịch.
Theo Văn phòng Dệt may Mỹ, khoảng 15,5% hàng may mặc Mỹ nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đến từ Việt Nam, tăng 2,6 điểm phần trăm so với cùng kì năm trước. Việt Nam cũng thu hút được 8,7 tỉ USD vốn đầu tư thực hiện từ nước ngoài trong nửa đầu năm 2020.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hàng dệt may đến Mỹ và vốn đầu tư thực hiện đều thấp hơn so với cùng kì năm 2019, cho thấy Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương trước tình hình và tiến triển của đại dịch COVID-19.
Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam vẫn chưa mở cửa cho du khách quốc tế và kiều hối đang sụt giảm. Ngành du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP nhưng tác động của nó đến GDP nói chung cao hơn đáng kể thông qua các tác động lan truyền gián tiếp. Kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2019 tương đương hơn 6% GDP.
Việt Nam cũng dễ bị tác động bởi chính sách của các đối tác thương mại chính. Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 8/6 giúp củng cố mối quan hệ ổn định với EU. Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ.
#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.
#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.
Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.
Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.