Fitch điều chỉnh triển vọng của Việt Nam từ 'tích cực' về 'ổn định', giữ nguyên xếp hạng ở mức BB
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa có thông báo về đánh giá lại triển vọng của Việt Nam trước tác động của dịch COVID-19. Cụ thể, triển vọng xếp hạng nhà phát hành ngoại tệ dài hạn (IDR) của Việt Nam được điều chỉnh từ "Tích cực" sang "Ổn định" và giữ nguyên mức xếp hạng BB.
Phân tích của Fitch cho biết tác động của đại dịch COVID-19 đang leo thang đối với nền kinh tế Việt Nam thông qua các ngành du lịch và xuất khẩu và làm suy yếu nhu cầu trong nước.
Việc tiếp tục giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn mạnh mẽ và khả năng kéo dài sự tích cực trong các biến số vĩ mô, nợ chính phủ thấp nguồn tài chính bên ngoài mạnh hơn so với các nước tương đương, trong đó có mức dự trữ ngoại hối cao được thiết lập trong vài năm trở lại đây.
Dự kiến tăng trưởng GDP năm 2020 giảm xuống còn 3,3%, phục hồi lên 7,3% trong năm 2021
Fitch dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 3,3% trong năm 2020 do ảnh hưởng từ đại dịch, năm 2019, mức tăng trưởng ghi nhận là 7%. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ giữa những năm 1980. Tăng trưởng GDP trong quí I/2020 chậm lại 3,8%.
Năm 2020 là năm được đánh giá là không chắc chắn và tiềm ẩn rủi ro phụ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19 cả tại Việt Nam và những thị trường xuất khẩu chính. Cho tới nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tương đối thấp nhưng con số này có thể tiếp tục tăng và hiện tại phần lớn đất nước đang phải kiềm chế các hoạt động kinh tế để ngăn chặn sự lây lan.
Các ngành du lịch và xuất khẩu là những ngành đặc biệt dễ bị tổn thương trong dịch bệnh. Hiện nay, ngành du lịch chiếm khoảng 10% GDP trực tiếp, nhưng đóng góp của nó vào GDP nói chung cao hơn đáng kể thông qua các ngoại tác lan truyền gián tiếp. Lượng khách du lịch trong tháng 3 đã giảm khoảng 68% so với cùng kì.
Fitch cũng đưa ra khả năng dịch bệnh được ngăn chặn vào nửa cuối năm nay và ngành du lịch toàn cầu bắt đầu phục hồi với tốc độ dần dần.
Cùng với đó, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính giảm, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, mặc dù sau đó đã bắt đầu phục hồi. Năm 2019, khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và khoảng 16% là sang Trung Quốc.
Nhu cầu xuất khẩu yếu sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất. Vốn đầu tư thực hiện trong quí I/2020 đã giảm 6,6% so với một năm trước.
Tổ chức này cho rằng tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ chuyển sang thâm hụt khiêm tốn vào năm 2020, từ mức thặng dư khoảng 3,0% vào năm 2019, do xuất khẩu, du lịch và kiều hối giảm. Tuy nhiên, nó sẽ trở lại thặng dư vào năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Fitch kì vọng động lực kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2021 với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% khi nhu cầu bên ngoài và trong nước dần hồi phục. Xuất khẩu và du lịch có khả năng tăng trở lại và vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất sẽ tăng, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng trung hạn mạnh mẽ.
Thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ tăng lên 6,5% GDP vào năm 2020
Đánh giá về tình hình trong nước, Fitch cho rằng nhu cầu tiêu dùng trong nước có khả năng giảm mạnh do các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Chính phủ Việt Nam cũng đang thực hiện các chính sách để giảm thiểu tác động, bao gồm các biện pháp cứu trợ hỗ trợ các hộ gia đình và ngành du lịch và vận tải như miễn thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, trợ cấp tiền mặt cho người nghèo, mất việc.
Gói cứu trợ để chống lại COVID-19 cho đến nay lên tới 17.000 tỉ đồng (khoảng 2,1% GDP). Các biện pháp bổ sung có thể được đưa ra nếu áp lực suy giảm kinh tế tăng mạnh, bao gồm cả việc tăng tốc chi tiêu đầu tư công, cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, Fitch cũng nhận định việc củng cố tài khoá có khả năng bị trì hoãn do các biện pháp cứu trợ trong đại dịch và tăng chi tiêu để bù đắp những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.
Theo Fitch dự kiến, thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ tăng lên 6,5% GDP vào năm 2020 (từ mức ước tính 3,4% vào năm 2019) và tổng nợ của chính phủ sẽ tăng lên 42,5% GDP (từ khoảng 38% GDP vào năm 2019), phù hợp với mức xếp hạng 'BB'. Thâm hụt dự kiến và mức nợ có thể tăng nếu dịch bệnh phát kéo dài hơn mong đợi.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ tháng 9 năm ngoái bằng cách cắt giảm 1,25% lãi suất điều hành. Tỷ giá hối đoái đã giảm nhẹ so với đồng đô la Mỹ (USD) nhưng ít hơn nhiều so với các đồng tiền trong khu vực.
NHNN đã mua vào đáng kể ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỉ lục gần 80 tỉ USD vào năm 2019, điều này sẽ tăng khả năng ổn định tiền tệ. Tỉ lệ thanh khoản bên ngoài của Việt Nam có khả năng vượt xa mức trung bình của 'BB', ở mức khoảng 300%, theo các giả định của Fitch.